160 diễn giả từ trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam trao đổi kiến thức về gia cố nền đất, công trình ngầm, trượt lở xói mòn… Hội nghị Geotec Hanoi 2019 lần thứ tư về địa kỹ thuật và hạ tầng khai mạc sáng 28/11, có sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là chuyên gia quốc tế, trong nước cùng nhiều doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực nền móng, công trình. Bên cạnh bài giảng chính của các chuyên gia hàng đầu thế giới, có 185 bài báo khoa học được công bố tại hội nghị (Nhật Bản đóng góp 62 bài, Việt Nam 47 bài, Hàn Quốc 14 bài). Trong số này, tham luận của Giáo sư Mark Randolph (Australia) chia sẻ với giới chuyên môn nhiều thông số quan trọng trong thi công, cách thức định lượng giá trị giới hạn trục cơ sở trong các loại kè, cọc cũng như những ảnh hưởng bởi phương pháp xây dựng khác nhau. Giáo sư Delwyn G. Fredlund (Canada) người có hơn 40 năm để nghiên cứu về hành vi của đất chưa bão hòa, phân tích về vấn đề trong kỹ thuật xử lý trượt lở. Ông cũng chỉ ra phương pháp tính toán trong kỹ thuật ổn định độ dốc và minh họa một số phương pháp đã được xây dựng dựa trên những phát hiện của công nghệ mới. Các kỹ thuật này có thể áp dụng khi xử lý khối đất trượt trong sạt lở đất. Ở lĩnh vực ổn định, cải tạo mặt đất và kỹ thuật nền móng, giải pháp xử lý sạt trượt, sụt lún đất được các giáo sư đến từ Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm. Các chuyên gia trao đổi bên lề hội nghị. "Các tham luận chia sẻ vấn đề học thuật cao trong lĩnh vực thi công nền móng, là tri thức mới khi áp dụng các giải pháp kỹ thuật cho các công trình ở Việt Nam", ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá khi phát biểu tại hội nghị. Theo ông Hùng, tại Việt Nam một năm đầu tư xây dựng cơ bản chiếm khoảng 60 tỷ đô la. Trong quá trình xây dựng, nhất là thi công nền móng, Việt Nam gặp nhiều thách thức đòi hỏi sự tiếp nhận các kỹ thuật mới. "Hội nghị không chỉ các nhà khoa học trao đổi học thuật mà những người làm chuyên môn có dịp để chia sẻ kinh nghiệm, tiếp nhận được nhiều tri thức mới áp dụng các giải pháp kỹ thuật cho các công trình ở Việt Nam", ông Hùng nói. Ông Lê Quang Hùng phát biểu tại hội nghị sáng 28/11. Ảnh: Hải Việt. Việt Nam là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe dọa về thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt điều kiện địa chất phức tạp ảnh hưởng đến vận hành và khai thác các công trình. Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Fecon, Trưởng ban tổ chức hội nghị cho rằng, với mỗi loại công trình việc lựa chọn giải pháp nền móng tối ưu cho kết cấu hạ tầng là vô cùng quan trọng. Các giải pháp nền móng được quyết định qua nhiều khâu từ nghiên cứu khảo sát địa hình địa chất, đến thiết kế lựa chọn công nghệ phù hợp để thi công xây dựng và sử dụng trong quá trình khai thác. Nhiệm vụ của các nhà khoa học, nhà làm chuyên môn là tìm ra giải pháp và áp dụng công nghệ tối ưu cho mỗi yêu cầu cụ thể, đảm bảo: an toàn bền vững, thân thiện môi trường với giá thành thấp nhất. Ông Khoa cho biết, do điều kiện kinh tế Việt Nam không thể mua ngay các công nghệ tiên tiến khi nó mới ra đời mà chỉ có thể tiếp nhận chuyển giao khi đã được thương mại hóa một thời gian dài. Để rút ngắn thời gian này, thông qua các lần tổ chức hội nghị nhà khoa học, viện, trường trong nước có thể học hỏi kinh nghiệm, tự nghiên cứu và phát triển các công nghệ phù hợp với điều kiện địa chất và kinh tế của mình. Các công nghệ này chủ yếu thuộc các lĩnh vực nền móng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, chống sạt trượt ở miền núi. Trong hai ngày diễn ra hội nghị (28-29/11) còn có triển lãm với 48 gian hàng cung cấp các giải pháp công nghệ, thông tin trong lĩnh vực địa kỹ thuật của nhiều doanh nghiệp lớn đến từ Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Việt Nam... Từ năm 2011, cứ 3 năm một lần Hội nghị Geotec Hanoi được tổ chức bởi Fecon, trở thành sân chơi uy tín dành cho các nhà khoa học các nhà tư vấn trong lĩnh vực công trình trên toàn thế giới. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn VNExpress