ColombiaCác nhà khoa học tìm thấy hóa thạch của hơn 200 con tôm cổ đại, mỗi con dài chưa đến 1 cm và được bảo quản trong điều kiện tốt. Hóa thạch tôm Eobodotria muisca tồn tại từ kỷ Phấn Trắng. Ảnh: Javier Luque. Chuyên gia Javier Luque (Đại học Yale) và Sarah Gerken (Đại học Alaska Anchorage) công bố phát hiện hóa thạch đàn tôm hàng trăm con từ kỷ Phấn Trắng tại Colombia, Newsweek hôm 26/11 đưa tin. Loài tôm này được đặt tên khoa học là Eobodotria muisca, thuộc bộ tôm dấu phẩy (hay tôm cumacea). Hóa thạch được lưu giữ rất tốt, cho phép các nhà nghiên cứu quan sát chi tiết cấu tạo cơ thể của những sinh vật cổ đại này, kể cả mắt, miệng và râu. Mỗi con tôm hóa thạch dài 0,5-0,8 cm, hầu hết là con đực, chỉ một số ít là con cái và không có con nào chưa trưởng thành. Tôm dấu phẩy là nhóm động vật giáp xác nhỏ sống ở nhiều vùng biển trên khắp thế giới, gồm hơn 1.000 loài. Số lượng cá thể dồi dào nhưng đây lại là một trong những nhóm động vật chân đốt biển có ít hóa thạch nhất. Do đó, giới khoa học cũng chưa nắm được nhiều thông tin về nguồn gốc của chúng. Luque và Gerken cho biết, tôm dấu phẩy hiện đại có hành vi tập trung ở những cột nước dưới biển vào ban đêm và tìm kiếm bạn tình. Họ cho rằng đàn tôm cổ đại ở Colombia cũng đang tìm con cái để giao phối thì một sự kiện nào đó xảy ra khiến tất cả bỏ mạng. Xác chúng chìm xuống dưới, được bảo quản trong lớp trầm tích mềm suốt hàng chục triệu năm. Đây là hóa thạch rõ nét đầu tiên và cổ xưa nhất của tôm dấu phẩy cho đến nay, nhóm chuyên gia nhận xét. Nó giúp giới khoa học nghiên cứu cấu tạo và hình thái của tôm dấu phẩy. Phát hiện mới cũng mang đến những giả thuyết về sự tiến hóa thời kỳ đầu và thời điểm nhóm sinh vật này bắt đầu phân tách. Thu Thảo (Theo Newsweek) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress