Hà NộiĐược hai người giúp, ông Sơn 77 tuổi, cố nhấc chân lên cầu thang, ban đầu thật lâu mới đi một bước, sau nhanh hơn. Ông Lê Minh Sơn đang tập bài vận động leo cầu thang, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Ba tuần trước, ông bị đột quỵ não lần thứ ba, nhập viện trong trạng thái lơ mơ, mất ý thức, liệt tứ chi. Xét nghiệm khi ấy cho thấy não của ông Sơn có một số ổ nhồi máu cũ. Bác sĩ cho rằng đây là trường hợp tai biến mạch máu não tái phát nên bệnh nhân nguy cơ cao tử vong. May mắn được cấp cứu kịp thời, ông Sơn qua cơn nguy kịch song di chứng yếu hoàn toàn nửa người bên phải, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bên trái (liệt mặt). Ngoài ra, cổ của ông yếu, tay yếu, chân không đi được, liệt nửa người dưới kèm theo thăng bằng kém, rối loạn nhai nuốt. Ông điều trị nội trú ở khoa Thần kinh 3 tuần, sau đó tập vật lý trị liệu hàng ngày tại Khoa Hồi phục chức năng. Ông Sơn tập leo cầu thang. Ảnh: Thúy Quỳnh. Hàng ngày bài tập đầu tiên của ông Sơn là giữ thăng bằng khi lên xuống cầu thang. Bác sĩ Trần Quốc Đạt, trưởng khoa Phục hồi chức năng, cho biết mục đích của bài tập này giúp bệnh nhân phục hồi khả năng vận động chi dưới, tăng cường khả năng giữ thăng bằng. Có nhiều bệnh nhân chân không yếu nhưng giữ thăng bằng kém, khi tập đi đứng cần có sự hỗ trợ của các dụng cụ vật lý trị liệu. Sau bài tập lên xuống cầu thang, ông Sơn bắt đầu tập cho cơ chi dưới. Ông ngồi tại chỗ, cẳng chân duỗi thẳng, gối duỗi. Bình thường, người bệnh cần một người giúp tỳ tay vào cổ chân khi thực hiện động tác. Nếu tập với dụng cụ vật lý trị liệu, bác sĩ chỉ cần đứng hướng dẫn và làm mẫu cho bệnh nhân làm theo. Đây gọi là tập vận động có kháng trở, tức vận động chủ động, trong đó sự co cơ động hay tĩnh bị kháng lại bằng một lực từ bên ngoài. Mục đích bài tập này là tăng sức mạnh và sức bền của cơ. Sau khi duỗi thẳng chân, ông Sơn được hướng dẫn gập chân lại, khớp gối vuông góc, vẫn mục đích để có thể nhấc chân, vận động đi lại tốt hơn. Bác sĩ hướng dẫn ông Sơn tập vận động cơ chi dưới với dụng cụ hỗ trợ. Ảnh: Thúy Quỳnh Theo bác sĩ Đạt, sau tai biến, ông Sơn gặp di chứng miệng méo, khó khăn về nhai nuốt, thất ngôn (không nói được). Kỹ thuật viên dùng ngôn ngữ trị liệu, dạy bệnh nhân tập nói, tập tư duy. Các bác sĩ tiến hành kích thích bằng tay ở vùng vòm họng, hướng dẫn bệnh nhân nuốt. "Dạy ngôn ngữ, dạy nuốt cho một bệnh nhân không đơn giản như tập cho một em bé đang tuổi tập ăn tập nói, mà bệnh nhân lớn tuổi, bị tai biến nhiều lần, việc kích thích vòm họng và hướng dẫn gặp nhiều khó khăn và mất nhiều công sức hơn", bác sĩ Đạt cho biết. Mỗi buổi tập vật lý trị liệu của bệnh nhân diễn ra trong vòng 30 phút đến một tiếng đồng hồ. Sau vài buổi điều trị, ông Sơn hiện có thể đi lại, vận động, cầm nắm mọi thứ, nói chuyện rõ hơn. Bác sĩ xoa bóp, vận động vùng cơ mặt cho bệnh nhân. Ảnh: Thúy Quỳnh Vật lý trị liệu là sử dụng các phương pháp trị liệu vận động cơ học, nhiệt, điện... (không dùng thuốc) để giúp bệnh nhân phục hồi chức năng cơ thể đang bị suy giảm. Những bệnh lý có thể chữa trị bằng phương pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng như chấn thương do tham gia hoạt động thể thao, ngã xe, gãy xương, trật khớp, đau nhức cơ thể, phục hồi sau di chứng của tai biến mạch máu não, đau lưng do bị thoái hóa đốt sống lưng, đau xương, khớp, dây thần kinh... Bác sĩ Đạt cho biết có rất nhiều dụng cụ hỗ trợ bệnh nhân như thanh song song để tập đi, lên xuống cầu thang, tập dồn trọng lượng... Các bài tập chủ động và thụ động, tập có kháng trở, tập dùng sức để tăng sức mạnh cơ... bệnh nhân được trợ giúp từ kỹ thuật viên. Song, ở những giai đoạn sau, bệnh nhân chủ động được là tốt nhất, đặc biệt với người bị tai biến nhiều lần. Bác sĩ Đạt khuyên để hồi phục tốt sau tai biến, ngoài tập vật lý trị liệu tại viện, bệnh nhân cần thường xuyên tập luyện tại nhà bằng cách vận động, tập đọc chữ cái... Phương pháp vật lý trị liệu cần duy trì lâu dài, quá trình chữa bệnh cũng mất nhiều thời gian và thường kỳ, vì vậy bệnh nhân và người nhà phải kiên trì để đạt hiệu quả, trở lại với hoạt động đời thường. Thúy Quỳnh Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress