Những yếu tố giúp startup trở thành 'kỳ lân'

Discussion in 'Kỹ năng nghề nghiệp' started by Robot Siêu Nhân, Nov 25, 2019.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 133)

    Theo trang Rocketspace, chỉ 2% số startup hoạt động có thể đạt mức định giá một tỷ USD để trở thành "kỳ lân". Tuy nhiên trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng số lượng "kỳ lân" tỷ USD gia tăng. Ông Matthew Griffin - Giám đốc Sáng tạo tại Innovation Enterprise nhìn nhận có nhiều động lực giúp các startup phát triển mạnh trong thời gian ngắn và đạt thành tựu đáng kể trên thị trường quốc tế. Các yếu tố bao gồm thị trường sôi động giàu trợ lực, công nghệ đột phá và mô hình kinh doanh sáng tạo.

    "Startup 'kỳ lân' đang hiện diện khắp mọi nơi. Bạn đã sử dụng sản phẩm của họ, biết đến họ. Trong nhiều trường hợp, họ là đơn vị dẫn đầu thị trường", ông Matthew Griffin nói.

    Thống kê của Innovation Enterprise cho thấy hiện có 226 công ty nằm trong danh sách "kỳ lân", tăng 56 lần so với 4 "kỳ lân" của năm 2010. Tổng giá trị của danh sách này vào khoảng 738 tỷ USD. Các startup chủ yếu thành lập tại Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Đức và Hàn Quốc.

    Làm thế nào để những startup công nghệ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, gặt hái những dấu mốc quan trọng và trở thành doanh nghiệp "tỷ đô"? Chuyên gia từ Innovation Enterprise gợi ý những điều kiện cơ bản có thể tạo động lực cho công ty khởi nghiệp, xuất phát từ kinh nghiệm của những "kỳ lân" trên thế giới.

    Tăng trưởng "thần tốc"

    Nhắm đến mục tiêu trở thành "kỳ lân", startup không được phép tăng trưởng "nhỏ giọt" mà cần tạo ra một sản phẩm, dịch vụ đột phá có thể thay đổi toàn diện thị trường. Với sản phẩm đột phá, doanh nghiệp cần ưu tiên xây dựng và bám sát sứ mệnh, giá trị cốt lõi trong hoạt động và văn hóa doanh nghiệp. Đây là điều thường bị bỏ qua trong giai đoạn đầu thành lập nhưng sẽ đóng vai trò tạo dựng nền tảng cho công ty khi bước vào giai đoạn tăng trưởng quy mô. Chuyên gia cũng khuyên startup tin tưởng vào tác động tích cực của sản phẩm, dịch vụ đối với số đông người dùng. Bên cạnh đó cần xây dựng mô hình kinh doanh có thể kiếm tiền ngay từ ngày đầu tiên triển khai sản phẩm.

    Ví dụ với những "kỳ lân" mở đường cho cả một lĩnh vực như Uber, Airbnb. Lý do những công ty này tạo ra "cuộc cách mạng" trong những lĩnh vực như taxi hay đặt phòng khách sạn, nhờ vào giá trị cốt lõi là tạo ra sản phẩm, dịch vụ đặt khách hàng làm trọng tâm. Các doanh nghiệp trên cũng đạt tăng trưởng "thần tốc" nhờ xác định đúng tập khách hàng mục tiêu, phát hiện đúng vấn đề và cung cấp đúng giải pháp. Họ mang đến một cách thức mới mẻ, tiện lợi và thú vị để giúp người dùng giải quyết một câu chuyện tưởng chừng như đơn giản và nhàm chán.

    Xác định đúng vấn đề và giải pháp

    Startup luôn có ý tưởng dồi dào và thú vị. Tuy nhiên hầu hết các nhà sáng lập quá hào hứng với ý tưởng của mình mà không nhận ra thực chất ý tưởng đó không mới trên thế giới, hoặc quá xa vời với đông đảo người dùng. Kinh nghiệm chỉ ra những startup có thể trở thành "kỳ lân" thường chỉ giải quyết những vấn đề rất đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì điều đó, những công nghệ mới mà startup cung cấp dễ dàng tiếp cận người dùng và trở thành "nhu yếu phẩm" tương tự như chính vấn đề mà người dùng gặp phải.

    Nếu mục tiêu của bạn là trở thành "kỳ lân", một ý tưởng tốt thôi là chưa đủ. Sản phẩm - giải pháp của bạn phải giải quyết câu chuyện mà ai cũng gặp phải. Điều đó sẽ tạo ra một thị trường đủ lớn để sản sinh ra "kỳ lân". Theo CB Insights, 42% startup thất bại do thị trường không có nhu cầu.

    Vậy đâu là những dấu hiệu cho thấy ý tưởng của bạn đủ tốt? Trước hết sản phẩm phải đột phá, chưa có giải pháp nào tương tự trên thị trường. Người dùng phải thấy thích thú khi sử dụng sản phẩm và sẵn sàng trả tiền để trải nghiệm thêm. Sản phẩm cũng cần có khả năng sản xuất ở quy mô lớn, quy mô thị trường rộng. Đội ngũ sáng lập sở hữu những nhân tài trong từng lĩnh vực.

    [​IMG]

    Tiki là một trong những startup hứa hẹn trở thành "kỳ lân" mới của Việt Nam.

    Kế hoạch gọi vốn hiệu quả

    Nhà đầu tư hàng đầu chỉ rót vốn vào startup hàng đầu. Do đó để thu hút được những nhà đầu tư chiến lược tiềm năng, cần chứng minh năng lực bằng số liệu tăng trưởng hấp dẫn và tập khách hàng trung thành. Cố vấn khởi nghiệp và cây bút chủ lực của Inc. - Alex Moazed gọi nhóm khách hàng trung thành này là "khách hàng quyền lực", những người có thể giúp startup khẳng định được khả năng tồn tại và phát triển lâu dài.

    "Định nghĩa nhóm khách hàng này rất khác nhau, tùy vào từng lĩnh vực. Ví dụ với eBay, khách hàng quyền lực là những nhà bán hàng. Còn với Uber, khách hàng trung thành lại không phải là người dùng, mà là những tài xế tương tác với ứng dụng ít nhất 30 tiếng đồng hồ mỗi tuần", Moazed nói.

    Mở rộng hợp tác

    Quan điểm "muốn đi xa phải đi cùng nhau" vẫn phát huy tác dụng khi bạn khởi nghiệp. Không startup nà có thể độc lập phát triển, tăng trưởng và giành thị phần mà không xây dựng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ đủ lớn để duy trì tăng trưởng và mở rộng phạm vi hoạt động. Hầu hết các startup công nghệ "kỳ lân" hiện nay đều sở hữu hàng tá những dịch vụ cộng hưởng trong một hệ sinh thái rộng mở. Việc kết nối đội ngũ sáng lập ban đầu với những đội ngũ nhân sự công nghệ tương tự cũng giúp yếu tố "con người" phát triển nhanh và lành mạnh, giúp tạo ra động lực, thách thức liên tục để thúc đẩy đổi mới sáng tạo mỗi ngày.

    "Công thức kiến tạo kỳ lân" là một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo tại gala chung kết Startup Việt 2019 diễn ra vào ngày 2/12 tại TP HCM. Chương trình do báo VnEpxress tổ chức nhằm vinh danh những doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng có sản phẩm đột phá, tác động tích cực đến cộng đồng, khả năng vươn ra thị trường thế giới và chinh phục mục tiêu "tỷ đô".

    Sự kiện cũng là cơ hội để startup gặp gỡ, kết nối trực tiếp một - một với nhà đầu tư và cố vấn khởi nghiệp để gọi vốn, tìm kiếm tư vấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp của mình.

    Độc giả đăng ký tham dự tại đây.

    Startup Việt 2019 mời các tên tuổi lớn trong cộng đồng khởi nghiệp tham gia hội đồng chuyên môn. Trong đó có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu GIBC, ông Trần Ngọc Thái Sơn - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tiki, bà Nguyễn Lan Anh - Tổng giám đốc điều hành Endeavor Việt Nam, bà Bùi Kim Thùy - đại diện tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC).

    Chương trình Startup Việt 2019 có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp như Tiki với vai trò nhà tài trợ kim cương, Grab là nhà tài trợ vàng, IMAP nhà tài trợ bạc, Sun*Startup cùng LG là nhà tài trợ đồng. Về đối tác đồng hành có AIM và Zone Startups Việt Nam.

    Hiện Top 25 Startup Việt 2019 trong vòng bình chọn với giải thưởng dành cho startup có số lượt bình chọn cao nhất là gói truyền thông 200 triệu đồng. Độc giả tham gia bình chọn may mắn nhất sẽ nhận phần quà là một chiếc điện thoại iPhone 11 Pro Max. Độc giả chiến thắng chung cuộc là người dự đoán chính xác startup được yêu thích nhất và dự đoán số lượng người tham gia bình chọn gần đúng nhất. Các thành viên thuộc đơn vị tổ chức không được tham gia bình chọn.

    Độc giả tham gia bình chọn tại đây.

    Khánh Anh

    [​IMG]

    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress
     
  2. Facebook comment - Những yếu tố giúp startup trở thành 'kỳ lân'

Share This Page