Hồi sinh cơ thể chỉ còn 13% máu

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Nov 25, 2019.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 120)

    Hà NộiNguyễn Thanh Sơn 23 tuổi tưởng chết trên biển, may mắn sống được nhờ nhận 11 đơn vị máu hiếm từ những người xa lạ hiến.


    "Nếu không có 11 đơn vị máu hiếm của mọi người, chắc em không còn đứng ở đây", Thanh Sơn mở đầu cầu chuyện tại Cuộc gặp mặt câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc, ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, ngày 24/11.

    Mất đi cánh tay phải sau vụ tai nạn, Sơn vẫn cười tươi kể về đêm định mệnh ấy. Giữa năm ngoái, khi đang đánh cá trên biển, không may Sơn bị mảnh kim loại văng trúng cánh tay phải, đứt động mạch, chảy rất nhiều máu. Hơn 2 giờ lênh đênh trên biển, Sơn được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An cấp cứu trong tình trạng hôn mê, cơ thể chỉ còn 13% máu. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ thông báo Sơn thuộc nhóm máu A Rh(D)-, đây là nhóm máu hiếm.

    "Bác sĩ bảo có tiền cũng không mua được máu", Sơn kể.

    Tình trạng của Sơn lúc đó rất nguy cấp, không thể phẫu thuật cũng không thể chuyển viện bởi không có máu truyền. Gia đình Sơn đã đăng thông tin lên mạng xã hội để kêu gọi mọi người có nhóm máu hiếm đến giúp. Nhiều người ở xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, nơi Sơn sinh sống, đã đến trung tâm y tế để đăng ký hiến máu nhưng không ai trùng nhóm máu.

    May mắn, đêm đó, có 2 phụ nữ xa lạ tìm đến bệnh viện để hiến máu cho Sơn. Nhờ có 2 đơn vị máu này, Sơn qua cơn nguy kịch để chuyển ra Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu. Thế nhưng bệnh viện Việt Đức cũng chỉ có 2 đơn vị máu để truyền cho cuộc phẫu thuật lần một. Thông tin về Sơn tiếp tục được các tình nguyện viên đăng tải trên các hội nhóm hiến máu. Vũ Hoàng Long, 28 tuổi, quê ở Bá Thước, Thanh Hóa đã bắt xe khách ra bệnh viện để hiến máu cho Sơn. Trong đêm, bác sĩ nói hiện chưa cần nên Long thuê nhà trọ ngủ lại, đợi sáng hôm sau hiến.

    Sau đó, Sơn may mắn nhận được thêm 7 đơn vị máu hiếm khác đủ cho 3 cuộc phẫu thuật. Chàng trai hồi sinh nhưng vì thời gian đến bệnh viện cấp cứu quá trễ nên cánh tay phải không thể cứu. Khi tỉnh dậy, được người thân kể lại những người đã hiến tặng máu cho mình, Sơn xúc động. Giờ Sơn khỏe mạnh bình thường, vẫn đi biển.

    Sau khi hồi phục, việc đầu tiên Sơn làm là gia nhập CLB nhóm máu hiếm tỉnh Thanh Hóa. "Em đã được hồi sinh nhờ những giọt máu của người xa lạ, giờ em muốn trao tặng lại máu của mình cho những người kém may mắn khác", Sơn nói.

    [​IMG]

    Sơn (phải) gặp lại Long trong buổi gặp mặt câu lạc bộ người có hóm máu hiếm miền Bắc. Ảnh: L.N

    Ngày 24/11 tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Sơn và Long gặp lại nhau. Sơn vô cùng cảm kích khi gặp lại ân nhân. Sơn và Long chỉ là 2 trong số hàng trăm thành viên của CLB máu hiếm khu vực phía Bắc. "Chỉ cần gọi là có mặt" là thông điệp của câu lạc bộ.

    Năm 1901, nhà bác học Karl Landsteiner đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới trong thực hành truyền máu. Những năm sau đó, nhiều hệ nhóm máu hồng cầu khác đã được phát hiện như hệ nhóm máu Rh, Kell, Kidd, Duffy, Lewis, MNS...

    Năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên nhóm máu khác nhau; trong đó, hai hệ nhóm máu ABO và Rh là quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu.

    Mỗi hệ nhóm máu lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó. Hệ nhóm máu Rh có hệ kháng nguyên đa dạng và phức tạp nhất với hơn 50 kháng nguyên, trong đó kháng nguyên D là phổ biến nhất.

    Kháng nguyên nhóm máu có tỷ lệ rất khác nhau tùy thuộc vào chủng tộc, quốc gia và các vùng địa lý. Theo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm.

    Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số, nên được coi là nhóm máu hiếm. Trong khi đó, ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc... tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15-40% dân số.

    Nhóm máu hiếm Rh(D) âm như các nhóm máu khác; người có nhóm máu hiếm có cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động như tất cả những người mang nhóm máu Rh(D) dương (trên 99% người Việt Nam).

    Lê Nga


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Hồi sinh cơ thể chỉ còn 13% máu

Share This Page