Những lần đi công tác gặp khách hàng, anh Trần Văn Kim phải thuê hẳn một thông dịch viên đi theo với chi phí 110 USD một ngày chưa kể tiền ăn uống và thuê khách sạn, trong khi thời gian sử dụng người thông dịch đó cho công việc chỉ vỏn vẹn gần một giờ. Điều này dẫn đến thực tế lãng phí chi phí sử dụng thông dịch viên. Từ thực tế đó, vào tháng 6/2018, với kinh nghiệm 7 năm trong lĩnh vực lập trình phần mềm và thiết kế website, anh Kim quyết định dùng 300 triệu tiền tiết kiệm để bắt tay vào nghiên cứu phát triển dự án dịch thuật Wetrans. Wetrans là nền tảng giúp kết nối thông dịch viên và người dùng có nhu cầu dịch thuật trong một khoảng thời gian nhất định. Điểm nổi bật của ứng dụng là giúp người dùng có thể lựa chọn gọi điện trực tiếp đến đội ngũ người thông dịch, hỗ trợ đa ngôn ngữ, kết nối theo thời gian thực mọi lúc mọi nơi với mức cước phí cạnh tranh tùy theo thời gian gọi. Thông dịch viên tự định giá cước từ 0,5 - 20 USD cho mỗi phút hỗ trợ dịch thuật. Dựa vào giá cước định sẵn, người dùng tùy chọn người thông dịch phù hợp với ngôn ngữ cần phiên dịch và có cước phí thấp nhất để tiết kiệm chi phí. Ứng dụng Wetrans sẽ thu lại 20% tổng tiền cước của phiên dịch viên. Giao diện ứng dụng dịch thuật Wetrans thể hiện kỹ năng chuyên môn của từng thông dịch viên, cho phép người dùng gọi điện trực tiếp đến người thông dịch. Anh Trần Văn Kim - CEO Wetrans cho biết, so với Google Translate hoặc những ứng dụng dịch thuật khác, Wetrans với đội ngũ thông dịch viên là người thật sẽ cho ra kết quả dịch thuật chính xác hơn tùy ngữ cảnh và tính chất công việc của cuộc hội thoại. Người dùng có thể lựa chọn người thông dịch theo đúng nhu cầu sử dụng dựa theo thông tin về kỹ năng, ngành nghề của phiên dịch viên hiển thị chi tiết trên ứng dụng. "Thị trường chưa có ứng dụng nào có cách thức hoạt động và kết nối thông dịch viên giống như Wetrans. Hiểu đơn giản, các ứng dụng dịch thuật khác là do thuật toán máy móc còn Wetrans là do con người tương tác thời gian thực, hiểu và dịch chính xác hơn nhiều", anh Kim chia sẻ. Mới đây, dự án Wetrans đã được quỹ đầu tư mạo hiểm Faster Capital của Dubai rót vốn 50.000 USD, cam kết đầu tư về công nghệ, nhân sự và sản phẩm. Ứng dụng trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện, dự kiến tung ra thị trường vào cuối tháng 1/2020. Trần Văn Kim - CEO dự án dịch thuật Wetrans có 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lập trình phần mềm và thiết kế website. Trong quá trình phát triển dự án, anh Kim cũng đã đôi lần cảm thấy nản và muốn bỏ cuộc khi nghe những lời nhận xét đánh giá từ người thân, bạn bè và người dùng. Họ cho rằng chỉ cần dùng những ứng dụng tương tự Google Translate, máy hỗ trợ dịch thuật hoặc thuê trực tiếp thông dịch viên là đã đáp ứng đủ nhu cầu, không cần dùng đến ứng dụng Wetrans. Tuy nhiên, với điểm khác biệt là gọi điện trực tiếp cho thông dịch viên, anh hy vọng Wetrans sẽ phục vụ tốt cho đối tượng người dùng chỉ cần sử dụng người thông dịch trong một khoảng thời gian nhất định, tiết kiệm chi phí. Nếu nhận thêm vốn từ các nhà đầu tư, Wetrans sẽ có điều kiện phát triển thêm nhiều tính năng dịch thuật hữu ích cho người dùng. Bên cạnh đó sẽ tiến hành đẩy mạnh các hoạt động marketing, SEO từ khóa trên Google để ứng dụng phổ biến rộng rãi đến người dùng có nhu cầu dịch thuật. An Phạm Hành trình "tìm kiếm kỳ lân tỷ đô" của Startup Việt 2019 đang bước vào giai đoạn chung kết. Đây là chương trình bình chọn khởi nghiệp thường niên do báo điện tử VnExpress tổ chức nhằm kết nối, ươm mầm, tìm kiếm các startup nổi bật trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Với mong muốn thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt, gala chung kết Startup Việt 2019 gồm nhiều hoạt động nổi bật. Trong đó hội thảo "Startup Việt - Unicorn to be" sẽ cung cấp góc nhìn, đánh giá và bình luận từ các chuyên gia hàng đầu về năng lực của startup Việt và cách thức nâng tầm giá trị của startup Việt trong hành trình vươn ra thế giới. Độc giả đăng ký tham dự Gala chung kết Startup Việt 2019 tại đây. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn: VNExpress