Con tê giác Sumatra cuối cùng trong nước chết ở bang Sabah trên đảo Borneo khiến loài này bị tuyệt chủng ở Malaysia. Tê giác Iman mắc bệnh ung thư tử cung. Ảnh: Guardian. Tê giác Iman mắc bệnh ung thư tử cung từ khi nuôi nhốt vào tháng 3/2014. Con tê giác cái chết vào 17h37 ngày 23/11 theo giờ địa phương. "Cái chết của Iman đến sớm hơn so với dự đoán, nhưng chúng tôi biết nó chịu đựng cơn đau trầm trọng", Augustine Tuuga, giám đốc Cơ quan động vật hoang dã Sabah, cho biết. Iman suýt mất mạng vài lần trong những năm qua do mất máu ồ ạt, nhưng sau đó các cán bộ bảo vệ động vật hoang dã đều tìm cách chữa chạy và giúp nó hồi phục. Họ cũng lấy tế bào trứng của con tê giác với hy vọng có thể cộng tác cùng các nhà khoa học nhằm hồi sinh loài vật thông qua chương trình thụ tinh nhân tạo. Con tê giác Sumatra đực cuối cùng ở Malaysia chết hồi tháng 5 năm nay. Trước đó, một con tê giác cái khác cũng chết trong môi trường nuôi nhốt năm 2017. Những nỗ lực nhân giống loài vật đều thất bại. Tê giác Sumatra là loài tê giác nhỏ nhất thế giới. Chúng từng phân bố khắp châu Á và Ấn Độ, nhưng số lượng loài này sụt giảm nhanh chóng do chặt phá rừng và nạn săn trộm. Quỹ bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) ước tính chỉ còn 80 con tê giác Sumatra trong tự nhiên. Môi trường sống biệt lập khiến chúng hiếm khi sinh sản và có thể tuyệt chủng trong vòng vài thập kỷ. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đưa tê giác Sumatra vào danh mục cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ cùng với tê giác đen và tê giác Java. Cả tê giác châu Phi và tê giác Sumatra đều có hai sừng, trong khi tê giác Ấn Độ và Java chỉ có một sừng. Tê giác thường bị săn giết để lấy sừng và bán ra chợ đen. Sừng của chúng được nghiền nhỏ làm thuốc uống chữa sốt và co giật dù cấu tạo chủ yếu từ keratin, protein dạng sợi cũng có trong tóc và móng tay. An Khang (Theo Guardian) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress