SingaporeNgười có chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp nhưng tích nhiều mỡ thừa nhiều ở bụng và ngực có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn người béo phì. Nghiên cứu thực hiện trên 6.000 người bệnh ở 11 nước châu Á, công bố giữa tuần qua, cho thấy người béo bụng, thường là phụ nữ ở các nước thu nhập thấp có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn cả. Người mắc chứng lean-fat thường có chỉ số BMI thấp nhưng số đo vòng bụng lớn. Ảnh: Better Health For Woman. Béo phì được biết đến như một yếu tố gây suy tim và các bệnh mạch vành. Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng những người có chỉ số BMI cao có kết quả sức khỏe tốt hơn người béo bụng. Đây được gọi là "nghịch lý béo phì". Nghịch lý này không phổ biến tại châu Á, nơi bệnh nhân gầy hơn và có chỉ số khối cơ thể dưới 24,5, thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây. Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học, đứng đầu là giáo sư Carolyn Lam thuộc Trung tâm Y tế Quốc gia Singapore thu thập dữ liệu từ các bệnh nhân Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau khi xem xét kết quả của 5.964 người bệnh, bao gồm các ca nhập viện và tử vong, nghiên cứu chỉ ra rằng người có chỉ số khối cơ thể thấp nhưng vòng eo lớn có nguy cơ mắc bệnh suy tim cao hơn cả. Chu vi của vòng eo được tính theo chiều cao. Số đo lý tưởng là chu vi vòng eo/chiều cao nhỏ hơn 0,5. Người mắc chứng béo bụng chiếm 14% các trường hợp suy tim ở châu Á, tỷ lệ tiểu đường là 46%. 35% trong số đó là phụ nữ, chủ yếu đến từ các nước có thu nhập thấp và trung bình thuộc khu vực Đông Nam Á. Nguy cơ tử vong do suy tim của bệnh nhân thuộc nhóm này cao hơn nhóm người béo phì có tỷ lệ vòng eo/chiều cao nhỏ. Chuyên gia cho rằng các nước cần xây dựng chính sách quốc gia cụ thể để ngăn ngừa chứng béo bụng. Đồng thời thúc đẩy người dân giữ chỉ số BMI hợp lý thông qua giáo dục nhận thức và điều chỉnh lối sống. Bệnh béo phì ảnh hưởng đến 650 triệu người trên thế giới, tăng gấp ba lần trong 20 năm qua, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức Thế giới (WHO), số phụ nữ tử vong vì bệnh tim mạch cao gấp 7 lần so với ung thư vú. Tuy nhiên, người châu Á thường không coi trọng vấn đề này vì chỉ số BMI thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế. Tại Việt Nam, tim mạch được đánh giá là một trong bốn loại bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong ngày càng cao. Trung bình mỗi năm có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị tiểu đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính. Bệnh tim mạch và huyết áp đe dọa sức khỏe của 25% dân số Việt Nam. Thục Linh (Theo South China Morning Post) Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress