ArgentinaHóa thạch của rắn Najash rionegrina hé lộ chúng có chân sau cùng cơ thể và bộ hàm lớn. Rắn Najash rionegrina sống trên sa mạc Kokordom trải dài tới phía bắc vùng Patagonia ở cuối kỷ Phấn Trắng. Ảnh: CNN. Những hóa thạch rắn mới được phát hiện hé lộ chúng có chân sau trong suốt một thời gian dài, theo nghiên cứu công bố hôm 20/11 trên tạp chí Science Advances. Najash rionegrina là loài rắn tiền sử có chân sau. Nhóm nghiên cứu tìm thấy 8 hộp sọ, trong đó có một hộp sọ gần như nguyên vẹn, ở khu vực khảo cổ La Buitrera phía bắc vùng Patagonia thuộc Argentina. Najash sở hữu đặc điểm nguyên thủy giống thằn lằn (xương gò má) cũng như đặc điểm lai giữa rắn và thằn lằn (khớp hàm). "Phát hiện của chúng tôi củng cố giả thuyết tổ tiên của các loài rắn hiện đại có cơ thể và hàm lớn chứ không phải các loài nhỏ chui rúc trong hang hốc như suy đoán trước đây", Fernando Garberoglio, trưởng nhóm nghiên cứu tại Hiệp hội Lịch sử Tự nhiên thuộc Đại học Maimonides, Buenos Aires, cho biết. "Nghiên cứu cũng hé lộ rắn tiền sử có chân sau suốt hàng chục triệu năm trước khi các loài rắn hiện đại không chân xuất hiện". Rắn Najash tồn tại gần 70 triệu năm. Điều này cho thấy chân sau là bộ phận hữu ích với chúng, không phải là giai đoạn chuyển tiếp trước khi thích nghi với môi trường và tiến hóa thành sinh vật không chân. Sử dụng công nghệ hiển vi quang học và chụp X quang, các nhà nghiên cứu có thể quan sát Najash qua mô hình 3D và hiểu rõ hơn những giai đoạn tiến hóa đầu tiên dẫn tới sự ra đời của rắn hiện đại. Họ cũng có thể hình dung mạng lưới mạch máu và hệ thần kinh của chúng. Các nhà khoa học cho rằng chân trước của tổ tiên loài rắn biến mất sớm hơn chân sau. "Nghiên cứu này cách mạng hóa hiểu biết của chúng ta về xương hàm của rắn và các loài thằn lằn. Chúng ta đã hiểu sai trong 160 năm qua và nghiên cứu giúp điều chỉnh lại chi tiết quan trọng này dựa trên chứng cứ cụ thể chứ không phải suy đoán", Michael Caldwell, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ. An Khang (Theo CNN) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress