Mối quan hệ giữa người đứng đầu Apple và Tổng thống Mỹ đang mang lại nhiều lợi ích cho công ty có trụ sở tại Cupertino (Mỹ). CEO Apple Tim Cook dành buổi chiều ngày 20/11 để trò chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cả hai sau đó đi thăm nhà máy tại Austin (Texas) - nơi Apple đang sản xuất Mac Pro, trong đó có cả model mới nhất trị giá 6.000 USD mỗi chiếc. Trump (bên phải) tươi cười với Cook (bên trái) trong một cuộc họp tại Nhà Trắng hồi tháng 3/2019. Ảnh: Reuters. Việc Tổng thống Mỹ đến thăm một nhà máy là điều dễ hiểu. Nó được xem là cách để thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Trước đó, ông Trump từng ghé thăm xưởng sản xuất đồ thời trang của Louis Vuitton ở gần Dallas và một nhà máy giấy phía nam Ohio. Khi ông Trump cho biết sẽ thăm nhà máy, phía Apple đã rất hào hứng. Ngay trong sáng 20/11, hãng ra thông cáo báo chí, trong đó cho biết sẽ đóng góp hơn 350 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ giai đoạn 2018 - 2023. Đây là những con số thống kê mà Tổng thống sẽ hài lòng, nhất là nước Mỹ đang trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Nếu theo dõi thời gian Cook lên nắm quyền, có thể thấy ông này đang bước vào giới chính trị bằng cách kết thân với Tổng thống. Thực tế, Apple vẫn đứng ngoài vòng xoáy chính trị, chưa bị chính phủ "nhòm ngó" một cách kỹ lưỡng như Google hay Facebook - những doanh nghiệp vốn đang có một đế chế nội dung để kiểm duyệt hay duy trì một mạng quảng cáo rộng lớn. Apple vẫn chưa có danh tiếng như Amazon về cái gọi là "chủ nghĩa tư bản tàn nhẫn", hay sự phụ thuộc của Microsoft vào các hợp đồng với chính phủ. Nói chung, Apple đang nuôi dưỡng một thể chế liên kết không nguyên tắc với chính quyền. Nhưng nếu như CEO Amazon Jeff Bezos công khai mối thù với Tổng thống, hay Facebook có mức độ tiếp cận Tổng thống ở mức thấp, Cook đã không ngại gặp gỡ công khai với Trump. Phía người đứng đầu Nhà Trắng cũng đáp lại với vẻ thiện chí. Thực tế, trong ba năm kể từ sau khi đắc cử, giữa Trump và Cook có nhiều cuộc gặp thường xuyên. Cả hai cũng thường giữ liên lạc với nhau. Tháng 8, Trump công khai khoe trên Twitter về việc ông đi ăn tối với Cook. Ngược lại, CEO Apple cũng nhiều lần điện đàm với Tổng thống. "Cook là một giám đốc điều hành tuyệt vời bởi vì anh ấy gọi cho tôi, còn những người khác thì không", Trump từng nói với các phóng viên hồi tháng 8, theo The Verge. Việc Cook làm thân với Trump được đánh giá là nỗ lực "được đền đáp xứng đáng" cho Apple. Công ty bước vào năm 2017 với giá trị nắm giữ hơn 230 tỷ USD ở nước ngoài và mong đợi một Tổng thống mới có thể giảm thuế để việc nhập khẩu hàng hóa của hãng vào Mỹ thuận tiện hơn. Trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Apple cũng nhiều lần hưởng lợi về mức thuế, hoặc được lùi thời hạn áp thuế dài hơn so với những doanh nghiệp Mỹ khác. Ở chiều ngược lại, thực tế Trump từng ưu ái cho Cook từ trước khi ông đắc cử. Vài tuần sau ngày bầu cử, ứng viên Tổng thống này đã mời CEO Apple đến Trump Tower tham dự một hội nghị thượng đỉnh về công nghệ, cùng với Larry Page, Jeff Bezos, Sheryl Sandberg, Elon Musk và Peter Thiel. Trong các bài phát biểu, Trump cũng đánh giá Cook và Apple một cách tích cực hơn những doanh nghiệp khác, đồng thời đưa ra nhiều dẫn chứng có lợi cho công ty iPhone. Ý kiến của người đứng đầu Apple cũng nhiều lần được Tổng thống ghi nhận. Cook biết rõ hầu hết sản phẩm của mình sản xuất tại Trung Quốc và nếu áp mức thuế mới, công ty sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Thế nhưng, bằng cách hướng đến các chính sách thương mại, Cook dường như đã khiến Trump phải nghĩ lại bằng một quan điểm thuyết phục, rằng chính sách thuế sẽ làm cho những công ty Mỹ như Apple gặp bất lợi trước đối thủ nước ngoài, chẳng hạn Samsung. Tuy vậy, Cook cũng không phải là người hoàn toàn ủng hộ Trump. Ông từng quyên góp hơn 250.000 USD cho bà Hillary Clinton - đối thủ chạy đua vào Nhà Trắng của Trump năm 2016 - cũng như các nghị sĩ đảng Cộng hòa có quan điểm hoài nghi Trump như Paul Ryan và Rob Portman. Một số chuyên gia cho rằng, quan hệ Trump - Cook thực tế chỉ mang tính đôi bên cùng có lợi. Trump sẽ có thêm uy tín dựa trên cách hành xử với những doanh nghiệp như Apple, trong khi Cook cũng có thêm cơ hội để bảo vệ công ty mình. Bảo Lâm (theo The Verge) Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ