Bộ sưu tập lông hóa thạch từ kỷ Phấn trắng tiết lộ khủng long từng sinh sống trong môi trường khắc nghiệt ở cực nam của Trái Đất. Khủng long có lông vũ từng sinh sống ở Vòng Nam Cực. Ảnh: National Geographic. Tổng cộng 10 bộ lông hóa thạch khoảng 118 triệu năm tuổi được tìm thấy trong khu bảo tồn địa chất Koonwarra ở bang Victoria, Australia, nơi từng là trầm tích dưới đáy hồ ở Vòng Nam Cực cách đây hàng thiên niên kỷ. Đây là "bằng chứng vững chắc" đầu tiên cho thấy khủng long có lông vũ từng sinh sống ở cực nam của Trái Đất, theo một nghiên cứu được công bố trong tuần này trên tạp chí Gondwana Research. "Nhiều bộ xương hóa thạch của khủng long và thậm chí là chim cổ đại đã được tìm thấy ở vĩ độ này trước đây nhưng không có mẫu vật nào cho thấy khủng long sử dụng lông vũ để sống sót trong môi trường vùng cực khắc nghiệt. Phát hiện ở Koonwarra vì vậy có ý nghĩa rất quan trọng", Tiến sĩ Benjamin Kear từ Đại học Uppsala ở Thụy Điển, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. Một số lông khủng long hóa thạch ở Koonwarra. Ảnh: Science Alert. Quan sát bằng kính hiển vi và kính quang phổ tiên tiến cho thấy lông vũ của khủng long cũng có màu sắc và hoa văn, tương tự các loài chim hiện đại ngày nay. Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy dấu vết của melanosome - bào quan có vai trò tổng hợp, lưu trữ và vận chuyển sắc tố melanin tạo nên màu lông và da của động vật. Lớp lông vũ dày được cho là đóng vai trò như vật liệu cách nhiệt giúp khủng long giữ ấm trong môi trường lạnh giá ở Vòng Nam Cực. Chúng có màu tối, cho phép hấp thụ nhiều nhiệt hơn từ bức xạ Mặt Trời. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng khủng long còn sử dụng lông vũ để giao tiếp với đồng loại. Một số bộ lông khủng long hóa thạch ở Koonwarra đang được trưng bày trong triển lãm "600 triệu năm" ở bảo tàng Melbourne, Australia. Đoàn Dương (Theo National Geographic) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress