Hà NộiĐiều tra dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho thấy các chị em ruột tử vong do bệnh Whitmore không có dấu hiệu lây cho nhau. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Sở Y tế, chiều nay cho biết chưa phát hiện điều gì đặc biệt về dịch tễ, người nhà các bé đều khỏe mạnh, trường học và hàng xóm cũng không có trường hợp mắc bệnh tương tự. Tuy vậy theo ông Cảm, hai bé Trần Công Vinh 5 tuổi và Trần Quang Hải 19 tháng tuổi, ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, bị bệnh Whitmore cách nhau thời gian ngắn, cùng địa điểm, là điều rất đáng quan tâm. "Chưa đủ bằng chứng kết luận hai cháu lây bệnh cho nhau, nhưng cần điều tra dịch tễ kỹ hơn", ông Cảm nói. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đang phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các cơ quan liên quan tiến hành điều tra kỹ lưỡng hơn các yếu tố dịch tễ, theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để có khuyến cáo kịp thời cho người dân. Phó giáo sư Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết trong số 3 cháu bé tử vong, cháu lớn 7 tuổi hiện chưa đủ cơ sở xác định do Whitmore vì khi nhập viện không xét nghiệm bệnh này. Ông Điển cho rằng khi điều tra dịch tễ vụ việc, các chuyên gia phải xem xét đặc tính của những người trong cùng gia đình, thói quen sinh hoạt, cách thức vệ sinh, tắm rửa, giặt giũ, ăn uống, đặc biệt là chăm sóc vết thương, vết trầy xước. "Thực tế vi khuẩn Whitmore có xung quanh chúng ta, đặc biệt ở bùn đất, luôn sẵn sàng tấn công con người. Biết cách vệ sinh, phòng ngừa phù hợp, ăn chín uống sôi, dùng nước máy... sẽ hạn chế vi khuẩn xâm nhập", ông Điển nói. Whitmore còn gọi bệnh melioidosis, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. B. pseudomallei sống trong đất, đường lây nhiễm chính là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn; qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy trước cơn mưa. Một số nghiên cứu cho thấy có thể nhiễm bệnh khi ăn thức ăn có vi khuẩn. Chưa có bằng chứng về lây bệnh giữa người với người hoặc lây từ động vật sang người qua đường không khí. Vì thế, các ca bệnh Whitmore thường lác đác, lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch. Ca bệnh đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện tại TP HCM vào năm 1925. Bệnh được ghi nhận ở Hà Nội và Huế vào năm 1928 và 1936. Bằng chứng đầu tiên trên thế giới về sự tồn tại của vi khuẩn gây bệnh Whitmore sống ngoài môi trường đất được các nhà khoa học Pháp công bố năm 1937 tại tỉnh Hải Dương và năm 1955 tại các tỉnh Nam Bộ. Điều trị bệnh Whitmore hết sức khó khăn, phải dùng kháng sinh nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole tấn công liều cao liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì 3 đến 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt dần và có thể tử vong. Quá trình theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung tháng 7-11. Những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress