Nhiều người mua code giảm giá trên các trang thương mại điện tử, nhưng khi nhập mã mua hàng lại bị huỷ đơn, không được hoàn tiền. "Sau khi áp dụng mã khuyến mại, chiếc điện thoại giá 5,3 triệu đồng chỉ còn hơn 4 triệu. Trang thương mại điện tử báo đặt hàng thành công, nhưng hôm sau tôi vào kiểm tra thì nhận được thông báo 'đơn hàng bị hủy', đồng thời mất luôn mã khuyến mại", Quang Thắng (TP HCM) chia sẻ. Theo thông báo mà anh Thắng nhận được, lý do của việc hủy đơn hàng là "cửa hàng không thể liên hệ được với khách". Mã khuyến mại của trang này chỉ dùng trong ngày, nên đơn hàng bị hủy cũng đồng nghĩa với việc mất trắng mã khuyến mại trị giá cả triệu đồng. Trường hợp của anh Thắng mới dừng ở mức mất mã giảm giá, còn anh Anh Tuấn (TP HCM) bị lừa cả tiền cũng chỉ vì ham mua điện thoại giá rẻ. Thấy có người giới thiệu "đang thừa voucher mua điện thoại", anh liên hệ để mua lại. Cách thức giao dịch là anh Tuấn sẽ chuyển tiền mua voucher (giá khoảng 200 nghìn đồng đổi lấy voucher 1 triệu), cùng với một số tiền cọc để mua máy. Trừ phí vận chuyển, tính ra, anh sẽ lời được khoảng 700.000 đồng. Sau khi hoàn thành giao dịch, bên bán gửi lại cho anh Tuấn ảnh chụp màn hình tiến trình đặt hàng để anh yên tâm. Tuy nhiên, vài tiếng sau quay lại, anh phát hiện mình đã bị "chặn", người bán cũng đã hủy đơn hàng của anh và tiếp tục lên mạng rao bán voucher với kịch bản cũ. Thiết bị điện tử là một trong những ngành hàng bán chạy nhất dịp Lễ độc thân vừa qua. Ảnh: Lưu Quý. Voucher (phiếu/mã) giảm giá là phương thức các trang thương mại điện tử tại Việt Nam dùng để thực hiện các chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, do giá trị cao mà số lượng có hạn, voucher giảm giá bị nhiều kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo. Cách thực hiện thường là bán một voucher nhiều lần cho nhiều người, hoặc dùng voucher để dụ người mua chuyển tiền mua hộ... Thậm chí ngay cả khi sở hữu voucher, người mua cũng có thể chịu thiệt do cửa hàng dùng chiêu "hủy đơn hàng" để từ chối các khách sử dụng phiếu giảm giá. Có trường hợp, người dùng đặt điện thoại cùng miếng dán cường lực, nhưng miếng dán thì giao thành công, còn điện thoại thì bị hủy đơn. Tăng giá để khuyến mại hoặc giảm giá nhưng tăng tiền vận chuyển Một chiêu khác mà các shop online áp dụng thường xuyên là tăng giá rồi khuyến mại giảm 40-50% khiến khách hàng "loá mắt". Hoặc, có nơi giảm giá thật, nhưng tăng tiền vận chuyển lên gấp đôi. Trên một nhóm chuyên "săn" đồ giảm giá, một thành viên cho biết vừa mua một bộ sạc cáp điện thoại giảm giá từ 259 nghìn xuống 99 nghìn đồng trong chương trình "flash sale" (bán hàng với giá sốc trong thời gian ngắn). Tuy nhiên, ngay cả khi kết thúc chương trình, người này phát hiện món đồ mình vừa mua trên trang bán hàng đó vẫn 99 nghìn đồng, chứ không hề tăng giá trở lại như thông báo. Một số thành viên khác còn cho biết, một số cửa hàng âm thầm tăng tiền vận chuyển từ 30.000 lên 50.000 đồng trong những ngày có chương trình khuyến mại. "Sợ hết hàng nên tôi mua vội mà không so sánh giá. Tưởng rẻ nhưng hóa ra không rẻ", thành viên tên Bùi Long bình luận. Theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Mạnh Hưng, người mua cần cẩn thận khi mua sắm trong những đợt khuyến mại lớn dịp cuối năm này, đặc biệt sau Lễ độc thân, còn có Black Friday, Cyber Monday... "Nên tham khảo phần đánh giá, bình luận trên gian hàng để biết được mức độ uy tín của người bán. Cách tốt nhất là tìm đến mua tại gian hàng của chính nhà sản xuất, nhà bán lẻ hay đơn vị phân phối. Bên cạnh đó, người mua hàng cũng nên tự bảo vệ mình bằng các biện pháp, như yêu cầu được ghi hình, đồng kiểm hàng hóa trước sự chứng kiến của nhân viên giao hàng trước khi nhận", ông Hưng nói. Lưu Quý Let's block ads! (Why?)Theo Trang Công Nghệ