Những con tê giác đen được "di cư" nhằm phục hồi quần thể do chúng thuộc danh sách loài động vật cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ. Tê giác đen hiện là loài cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ thế giới. Ảnh: AFP. Malawi hôm 12/11 đã nhận được 17 con tê giác đen quý hiếm từ Nam Phi theo một chương trình bổ sung các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở nước này từ năm 1970. Đây là một trong những vụ vận chuyển tê giác đen quốc tế lớn nhất từ trước tới nay, được thực hiện bởi Cục Quản lý Vườn Quốc gia và Động vật Hoang dã Malawi (DNPW) và Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF). Các con vật được vận chuyển từ khu bảo tồn thiên nhiên Ezemvelo KZN ở Nam Phi tới vườn quốc gia Liwonde ở miền nam Malawi, nơi có đội ngũ kiểm lâm viên được huấn luyện để chống nạn săn trộm. Theo Africa Parks, một tổ chức từ thiện do Hoàng tử Anh Harry đứng đầu, chúng đã trải qua sáu tuần cách ly trước khi được chuyển đến ngôi nhà mới và đang dần ổn định cuộc sống. "Hợp tác quốc tế là cơ hội để phục hồi quần thể tê giác đen ở châu Phi", Brighton Kumchedwa, Giám đốc của DNPW nhấn mạnh. "Bằng cách khôi phục và bảo tồn các di sản thiên nhiên, chúng tôi sẽ cung cấp một môi trường sống bền vững trong tương lai cho cả động vật hoang dã và con người ở Malawi". Chính quyền Malawi không công bố số lượng tê giác đen hiện tại ở nước này vì lý do an ninh, nhưng theo Central African Wilderness Safaris, chỉ còn khoảng 10 cá thể đang sinh sống bên trong các khu bảo tồn. Những con tê giác mới chuyển đến sẽ được gắn thiết bị định vị GPS. Chúng sẽ được theo dõi hàng ngày qua giám sát trên không và hoạt động tuần tra của kiểm lâm. Tê giác đen từng phân bố rộng khắp ở khu vực cận hoang mạc Sahara nhưng nạn săn trộm đã khiến quần thể loài sụt giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn 2.485 con trên toàn thế giới. Nhờ nỗ lực của các nhà bảo tồn, số lượng loài hiện đã tăng lên gần 5.000 con nhưng vẫn nằm trong diện cực kỳ nguy cấp. Đoàn Dương (Theo AFP/PR Newswire) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress