Mỗi loại ung thư có phương pháp sàng lọc hoặc chỉ định riêng, tầm soát không cần thiết sẽ gây tốn kém lại không phát hiện được bệnh. Bác sĩ Thân Văn Thịnh, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết nhiều người đi khám tầm soát ung thư với tâm lý lo lắng, sợ hãi nên yêu cầu được xét nghiệm tổng thể. Tuy nhiên, không ai tự dưng đi kiểm tra chụp chiếu hay làm xét nghiệm tất cả bộ phận trên cơ thể để tìm ung thư. "Điều này gây tốn kém và không hiệu quả. Thậm chí, nhiều gói tầm soát ung thư còn mang tính kinh doanh, không có lợi cho người được tầm soát", bác sĩ Thịnh nói. Xét nghiệm tràn lan còn gây tâm lý hoang mang hoặc yên tâm giả tạo cho người xét nghiệm. Chẳng hạn, việc xét nghiệm các chất chỉ điểm khối u trong máu như CEA, CA 125 hoặc CA 153... đều không có cơ sở khoa học bởi nó chỉ áp dụng khi tầm soát trên người có nguy cơ cao và phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, tư vấn. Do đó, xét nghiệm chất chỉ điểm khối u thường chỉ mang tính tham khảo, theo dõi trong quá trình điều trị, không đưa kết luận rõ ràng mà thường để đánh giá đáp ứng điều trị, tiên lượng, theo dõi tái phát, di căn của bệnh. Ngoài ra, lạm dụng các phương tiện hình ảnh như chụp cắt lớp toàn thân nhằm tầm soát ung thư cũng không mang lại hiệu quả tốt và chưa được tổ chức y tế nào khuyên dùng. Theo bác sĩ Thịnh, chụp cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ chỉ có giá trị cao trong chẩn đoán ung thư phổi, ung thư gan, chứ không áp dụng cho nhiều loại ung thư khác. Để tìm ung thư đường tiêu hóa, nội soi là phương pháp số một, còn với ung thư phổi chụp cắt lớp có tính quyết định giúp phát hiện sớm khối u kích thước dưới 10 mm. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh bằng siêu âm hoặc nội soi có thể phát hiện đến 60% ung thư tuyến giáp, ung thư hạch, gan, thận, tinh hoàn, phụ khoa, đường tiêu hóa... Ngoài ra, chỉ một số vị trí ung thư có thể được phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư như vú, cổ tử cung, tuyến giáp, đại trực tràng. Ung thư phổi, gan là hai loại ung thư thường gặp và diễn tiến bệnh nhanh, có trường hợp siêu âm chưa phát hiện bệnh nhưng 6 tháng sau đã vào giai đoạn cuối. Bác sĩ khuyên phụ nữ trên 21 tuổi được khuyến cáo nên tầm soát ung thư cổ tử cung. Tầm soát ung thư vú dành cho phụ nữ trên 40 tuổi, còn những người trên 50 tuổi có thể tầm soát ung thư đại trực tràng. Hiện, phương pháp tầm soát ung thư chính xác nhất là sinh thiết từ giải phẫu một mẫu mô nghi ung thư để tìm kiếm tế bào ác tính. Ngoài ra còn có phương pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu. Bác sĩ dựa vào nhiều yếu tố cùng sự trợ giúp của tất cả phương tiện hỗ trợ chẩn đoán để xác định một người có bị ung thư hay không. Do đó, mỗi loại ung thư có phương pháp sàng lọc và bộ xét nghiệm riêng. "Quan trọng nhất là việc nhận dạng các vấn đề phải được thực hiện tại cơ sở chuyên khoa và bởi các bác sĩ ung bướu", bác sĩ Thịnh cho biết. Thùy An Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress