Xiaomi có thể tận dụng lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei để vượt lên ở thị trường bên ngoài Trung Quốc. Đã có thời điểm, đặc biệt trong giai đoạn 2014 - 2015, Xiaomi đã vươn lên trở thành thương hiệu điện thoại bán chạy nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh số smartphone của hãng đã giảm tới 38% vào năm ngoái, theo số liệu nghiên cứu của Counterpoint. Xiaomi đang dần gây ấn tượng bằng các smartphone thiết kế đột phá. Ảnh: Reuters. Xiaomi hiện đứng thứ 4 tại thị trường Trung Quốc và bị cạnh tranh gay gắt bởi các thương hiệu nội địa, trong đó có Huawei. Tuy nhiên, theo Abacus, hãng nên tìm cách tăng trưởng ở nước ngoài, nơi Huawei đang gặp khó khăn do Mỹ cấm vận và sản phẩm không được sử dụng dịch vụ Google, chẳng hạn Gmail, YouTube, Play Store, Search... Xiaomi bắt đầu xây dựng thương hiệu tại Trung Quốc bằng loạt sản phẩm giá rẻ, nhiều tính năng và phần cứng tốt. Tuy nhiên, hãng chủ yếu sao chép các mô hình từ doanh nghiệp khác, điều mà đối thủ như Oppo, Vivo đang làm và thành công. Mãi tới gần đây, những thương hiệu này mới đưa vào thiết kế đột phá để thăm dò thị trường, mới nhất có Mi Mix Alpha màn hình tràn từ trước ra sau máy. Để có thị phần tốt hơn, Xiaomi đã bắt đầu đi theo chiến thuật mà Huawei vạch ra, bằng cách tạo một thương hiệu con gọi là Redmi. Việc đẩy mạnh đã được thực hiện, nhưng mọi thứ dường như chưa thực sự suôn sẻ như Huawei làm với Honor. Thực tế, Xiaomi khó có thể cạnh tranh với Huawei tại quê nhà. Số liệu từ Counterpoint cho thấy, hãng viễn thông Trung Quốc đã vươn lên chiếm 42% thị phần smartphone tại thị trường đông dân nhất thế giới, trong khi Xiaomi còn dưới 10%. Ở phân khúc cao cấp, hãng cũng phải cạnh tranh kịch liệt với chính Huawei lẫn Apple. "Cơ hội cho Xiaomi sẽ đến từ thị trường bên ngoài Trung Quốc. Lệnh cấm với Huawei chính là cơ hội cho Xiaomi, cũng như các hãng Android khác chiếm giữ thị phần mà Huawei vừa mất đi", Flora Tang, một lãnh đạo cấp cao của Counterpoint, nhận định. Thực tế, Xiaomi đang đẩy mạnh phát triển kinh doanh ở khu vực bên ngoài Trung Quốc. Tháng trước, hãng vừa ra mắt chiếc Redmi Note 8 Pro tại Đức - một trong những thị trường lớn nhất Tây Âu. Trước đó, doanh nghiệp này cũng xây dựng một trung tâm nghiên cứu (R&D) ở Tampere (Phần Lan), trong đó tập trung nghiên cứu công nghệ, phần mềm và sản xuất linh kiện máy ảnh. Kể từ nửa cuối 2018, Xiaomi cũng đã bắt đầu đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại châu Âu. Doanh số điện thoại của hãng đã tăng 27% so với cùng kỳ trước đó nhờ sự hỗ trợ của công ty viễn thông 3 Group Europe cùng các kênh bán lẻ lớn tại châu lục này, qua đó trở thành thương hiệu smartphone phổ biến thứ tư tại Tây Âu. Không chỉ châu Âu, Xiaomi còn hướng đến những thị trường lớn khác và đạt những thành công nhất định. Chẳng hạn, hãng bán được 12 triệu smartphone mỗi tháng tại Ấn Độ và đã vươn lên đứng đầu thị trường hơn một tỷ dân này kể từ tháng 10/2018. Đông Nam Á, Nga, châu Phi, Nhật Bản được cho là các khu vực mà doanh nghiệp này nhắm đến và đẩy mạnh thời gian tới. Tuy vậy, tương tự với các công ty Trung Quốc khác, thách thức lớn nhất của Xiaomi vẫn là vấn đề kiểm soát và sử dụng dữ liệu người dùng - điều đang khiến Huawei lao đao. "Họ cần thuyết phục các khách hàng châu Âu, Nhật Bản và những nơi coi trọng quyền riêng tư rằng, dữ liệu của họ vẫn an toàn và không bị dùng cho mục đích mờ ám", một chuyên gia nhận định. Bảo Lâm (theo SCMP) Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ