Hà NộiKhi nữ điều dưỡng đón nam bệnh nhân về khoa để chuẩn bị cho ca phẫu thuật, bất ngờ bị anh ta túm tóc, đánh. Bệnh nhân 35 tuổi ở Hải Phòng được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên Bệnh viện Việt Đức do chấn thương nặng sau tai nạn giao thông. Anh tổn thương nặng vùng hàm mặt kèm theo chấn thương sọ não, chấn thương ngực kín, bác sĩ chỉ định theo dõi tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh. Sau 8 ngày nhập viện và xử trí tổn thương, ngày 4/11, các bác sĩ quyết định phẫu thuật hàm mặt cho bệnh nhân. Một nữ điều được cử đến phòng bệnh đón bệnh nhân về khoa Phẫu thuật Hàm mặt chuẩn bị cho ca phẫu thuật. Bệnh nhân có biểu hiện bị kích thích. Nữ điều dưỡng hỗ trợ người nhà giữ anh ta nằm trên giường, bất ngờ bị bệnh nhân hành hung. Mẹ bệnh nhân cho biết bệnh nhân có tiền sử dùng thuốc gây nghiện, biểu hiện kích thích, khó chịu. Nữ điều dưỡng mang thai 4 tháng, khi bị đáng đã theo phản xạ cúi người thấp, lấy hai tay ôm bụng nên bảo vệ được thai nhi, chỉ bị thương vùng trán. Sau đó, nam bệnh nhân này tiếp tục gây hấn với nhân viên y tế Trung tâm phẫu thuật thần kinh. Phó giáo sư Nguyễn Đức Chính, Trưởng khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn, Bệnh viện Việt Đức, cho biết bệnh nhân có dấu hiệu ảo giác nên hành hung nhân viên y tế. Các bác sĩ vẫn thực hiện ca mổ hàm mặt hôm 6/11 và chuyển bệnh nhân xuống khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn để theo dõi điều trị. Sau mổ, bệnh nhân được bác sĩ chuyên khoa tâm thần phối hợp điều trị về thần kinh để không quậy phá. Bác sĩ Chính đọc phim sọ não cho bệnh nhân ảo giác. Ảnh: H.H Ngày 7/11, bác sĩ Trần Mạnh Cường, Viện Sức khỏe tâm thần tái khám cho bệnh nhân này. Bệnh nhân hiện tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng vẫn còn ảo giác, cần điều trị tiếp. Bác sĩ Cường cho biết bệnh nhân bị ảo giác rất nguy hiểm, dễ bị kích động, có hành động bạo lực. Theo bác sĩ Chính, sự việc này là một trong những áp lực, rủi ro mà nhân viên y tế phải đối mặt. Nhân viên y tế không chỉ bị áp lực về tinh thần mà còn về thể xác. "Đôi khi, trong phòng khám, bệnh nhân đang xếp hàng trật tự, bỗng nhiên có người chen vào lớn tiếng đòi khám trước, đó cũng là một áp lực với nhân viên y tế", bác sĩ Chính nói. Tại Việt Nam, bạo hành trong ngành y tế có tỷ lệ cao, chiếm 25% tổng số bạo hành tại nơi làm việc. Số vụ bạo hành nhân viên y tế có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm 2019 đến nay, có khoảng 20 vụ bạo hành bệnh viện. Bạo hành chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (60%), 20% ở tuyến trung ương. 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% là điều dưỡng. Tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân, 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà. Việt Nam chưa có những quy định chặt chẽ, chưa có chế tài xử phạt nặng nên tình trạng bạo hành như xúc phạm danh dự, bạo hành tinh thần rất phổ biến trong môi trường bệnh viện. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress