Vì sao số người chết do sốt xuất huyết tăng 5 lần?

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Nov 6, 2019.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 104)

    Ông Phạm Hùng, Trưởng Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết 10 tháng đầu năm ghi nhận hơn 200.000 người mắc sốt xuất huyết trên cả nước, so cùng kỳ năm ngoái có khoảng 72.000 bệnh nhân. 50 người đã tử vong, tăng gấp gần 5 lần cùng kỳ.

    Theo Cục Y tế dự phòng, sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, bệnh nhân tăng cao do tình trạng nóng lên toàn cầu làm muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi phát triển. Tình hình dịch bệnh tại nhiều nước trong khu vực đang gia tăng. Việt Nam là nước lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết và còn nằm giữa các quốc gia có dịch bệnh này.

    Dịch sốt xuất huyết có mặt ở 63 tỉnh thành, muỗi truyền bệnh khắp nơi, đốt người bệnh, truyền cho người lành. Di biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.

    "Du lịch gia tăng cả nội địa và quốc tế cũng là một nguyên nhân khiến lây lan sốt xuất huyết", ông Hùng nói.

    Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến việc kiểm soát dịch khó khăn. Nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ phát sinh nhiều dụng cụ chứa nước không được quan tâm xử lý. Tập quán tích trữ nước của người dân chưa thay đổi đáng kể, các vật dụng chứa nước trong hộ gia đình như lọ cắm hoa, bát nước kê chân chạn, chậu hoa cây cảnh, hòn non bộ, lu, khạp, bồn, bể chứa nước, đặc biệt các vật phế thải xung quanh nhà như lốp xe, vỏ dừa, vỏ đồ hộp, chai lọ vỡ... không được thu gom, đậy kín, xử lý để muỗi vào đẻ trứng.


    Nhân viên y tế dự phòng tại Hà Nội dùng loại máy phun đeo vai để phun hóa chất trong các hộ gia đình, khu đông dân cư. Ảnh: Ngọc Thành.

    Phó giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM, cho biết sốt xuất huyết là do tương tác giữa tác nhân gây bệnh (virus sốt xuất huyết), khối cảm thụ (con người), véctơ truyền bệnh (muỗi vằn). Bệnh có thể gia tăng khi có sự thay đổi một trong ba yếu tố trên theo hướng bất lợi.

    Thay đổi có thể bao gồm sự xuất hiện hoặc gia tăng chủng huyết thanh mới của tác nhân gây bệnh ở địa phương, sự di chuyển từ vùng ít lưu hành sốt xuất huyết sang vùng lưu hành cao. Con người chưa quan tâm dọn dẹp loăng quăng, làm gia tăng các vật chứa khiến muỗi nhiều chỗ để đẻ trứng hơn.

    Nhiệt độ gia tăng thích hợp cho quá trình phát triển từ trứng thành loăng quăng, muỗi nhanh hơn và tuổi thọ muỗi tăng hơn. Những diễn biến bất thường về thời tiết như mùa đông ấm áp hơn, mưa trái mùa nhiều hơn, kéo dài hơn khiến cho muỗi có thể phát triển quanh năm, không bị ức chế vào mùa đông hoặc giảm vào mùa khô như trước đây, khiến cho bệnh lưu hành quanh năm và mạnh hơn vào mùa mưa.

    Trên thế giới cứ khoảng 10 năm thì số mắc sốt xuất huyết tăng gấp đôi, hiện bệnh ghi nhận ở hơn 128 quốc gia với 3,9 tỷ người, tức khoảng 40% dân số toàn cầu có nguy cơ mắc bệnh. Trước đây bệnh chỉ ghi nhận ở các nước vùng nhiệt đới, nay đã ghi nhận càng lúc càng nhiều ca tại các vùng cận nhiệt đới, kể cả châu Âu. Tổ chức Y tế thế giới lần đầu tiên đã đưa sốt xuất huyết vào một trong 10 mối nguy cho sức khỏe nhân loại trong năm 2019.


    Cán bộ y tế dự phòng tại TP HCM hướng dẫn người dân tìm vật chứa diệt loăng quăng phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Bích Trang.

    Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắcxin phòng, chỉ còn cách giảm nguy cơ bùng phát bệnh là diệt các ổ loăng quăng, bọ gậy. Nếu làm tốt, sẽ không có muỗi truyền bệnh, giảm được nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng. Dịch bệnh sẽ bùng phát nếu không có sự chung tay, vào cuộc của người dân. Ngành y tế đã tuyên truyền rất nhiều về sốt xuất huyết, song theo ông Hùng người dân vẫn chưa "biết sợ".

    "Bình thường, không ai để ý đến phòng chống căn bệnh này, nhưng khi thấy người nhà hoặc hàng xóm có người mắc sốt xuất huyết thì mới giật mình, nhận ra trong nhà mình có nhiều ổ loăng quăng", ông Hùng nói. Ở một số nơi, người dân có thái độ không hợp tác với ngành y tế để phun thuốc diệt muỗi, hoặc khi có đoàn kiểm tra, nhiều gia đình không muốn cho cán bộ y tế đến kiểm ra môi trường sống, tìm diệt ổ loăng quăng.

    Bộ Y tế liên tục từ tháng 4 đến nay yêu cầu Sở Y tế các tỉnh vào cuộc khẩn trương, không được lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. "Người dân còn ít quan tâm, chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh sốt xuất huyết", ông Hùng nói.

    Hiện dịch có dấu hiệu chững lại nhưng chưa xuống nhanh, hết tháng 12 mới hết dịch.

    Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng cho biết mục tiêu hết tháng 11 sẽ khống chế được bệnh sốt xuất huyết bằng cách tăng cường phun thuốc diệt muỗi, đặc biệt là phun trên diện rộng ở bệnh viện, trường học, khu đất trống, công trường xây dựng... Người dân được khuyến cáo vệ sinh môi trường, loại bỏ những vật dụng chứa nước có bọ gậy.

    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Vì sao số người chết do sốt xuất huyết tăng 5 lần?

Share This Page