Nhờ phương pháp định tuổi bằng sự phát quang, các nhà khoa học tìm ra thời điểm trồng cây olive cổ thụ với chu vi thân lên đến 12,5m. Cây olive Ata Ağaç, nghĩa là "cổ thụ", được trồng ở mảnh đất từng là nghĩa địa của người La Mã, nay thuộc vườn olive ở Muğla's Milas, miền tây Thổ Nhĩ Kỳ, Newsweek hôm 5/11 đưa tin. Chu vi thân cây là 12,5m, tương đương cây olive già nhất thế giới hiện nay. Ata Ağaç mọc trên đảo Crete, Hy Lạp, đã sống khoảng 3.000 - 4.000 năm. Các nhà khoa học thu thập mẫu đất dưới rễ để xác định tuổi của cây olive. (Ảnh: Daily Sabah). Việc định tuổi những cây olive cổ đại rất khó vì đa số chúng bị rỗng một phần thân, theo ATA Agac, công ty quản lý vườn olive. "Với một số cây, carbon 14 được lấy từ phần giữa thân để phân tích. Nếu không có mẫu gỗ lấy từ vòng tuổi đầu tiên hình thành giữa thân cây, phương pháp định tuổi bằng carbon 14 sẽ thiếu chính xác. Tóm lại, phương pháp này không phù hợp với việc xác định tuổi của olive", ATA Agac cho biết. Thay vào đó, nhóm nghiên cứu tại Đại học Ankara lấy mẫu đất từ rễ cây và sử dụng phương pháp định tuổi bằng sự phát quang. Phương pháp này đo năng lượng photon mà một vật thể phát ra, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS). Khi chịu kích thích, lượng bức xạ mà vật thể hấp thụ và tích trữ trước đó có thể được giải phóng dưới dạng phát quang. Từ đây, các nhà khoa học sẽ tìm ra thời điểm gần nhất vật thể này tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời. Thời gian không tiếp xúc với nắng càng dài, tín hiệu phát quang càng mạnh. "Chúng tôi cần xác định lần cuối mẫu đất tiếp xúc với ánh nắng là khi nào. Chúng tôi thu thập mẫu vật từ 7 phần rễ khác nhau và phát hiện, cây olive này được trồng cách đây 3.000 năm", giáo sư Niyazi Meriç, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết. Ata Ağaç vẫn tiếp tục cho thu hoạch quả. Số quả này được dùng để sản xuất dầu olive. ATA Agac cho biết, có rất nhiều cây olive cổ đại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty đang chuẩn bị tiến hành một dự án nhằm nhận định tầm quan trọng của chúng. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV