TP HCMNhiều lần chữa vô sinh thất bại ở Mỹ, chị Helen Thanh Nguyễn không dám nghĩ mình sẽ có được bé gái xinh xắn khi về Việt Nam. Gặp lại tiến sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Hiếm muộn sáng 3/11, chị Thanh xúc động ôm bác sĩ. Cô con gái 22 tháng tuổi xinh xắn, hiếu động là phép màu, là điều kỳ diệu với vợ chồng chị sau hành trình 10 năm mong con. "Những vợ chồng có con bình thường có lẽ không thể hiểu được những cảm xúc vô vàn gian nan mà các cặp đôi hiếm muộn trải qua", người mẹ 46 tuổi nói. Vợ chồng chị từng bơm tinh trùng 3 lần và một lần thụ tinh trong ống nghiệm ở Mỹ nhưng không thành công. Ở tuổi muộn mằn, chị không dám nuôi nhiều hy vọng về tiếng cười trẻ thơ. Vợ chồng chị Helen Thanh Nguyễn và con gái 22 tháng tuổi tại Bệnh viện Hùng Vương sáng 3/11. Ảnh: Lê Phương. 3 năm trước, anh chị về Việt Nam thăm quê. Một số người bạn khi ấy đang chữa vô sinh ở bác sĩ Tuyết, khuyên chị nên thử tìm may mắn. Bác sĩ chọc hút 14 trứng, trong đó 9 trứng chất lượng tốt, thụ tinh được 9 phôi. Tháng 2/2017, chị chuyển phôi lần đầu nhưng thất bại. "Dù lần đầu không như mong ước nhưng sự tận tâm của các y bác sĩ khiến mình được tiếp thêm niềm tin", chị Thanh nhớ lại. Không nản lòng, hai tháng sau chị chuyển phôi lần hai và hồi hộp chờ đợi. Đứa cháu đi xem giúp kết quả, do nghe nhầm nên về thông báo không có thai. Nghĩ duyên với con chưa tới, chị chia tay gia đình bạn bè để trở về Mỹ. "Lúc nhắn tin chào bác sĩ Tuyết, bác sĩ gửi kết quả xét nghiệm chúc mừng đậu thai, tôi không dám tin, cảm giác vui mừng như vỡ oà, không thể diễn tả được", chị Thanh nói. Ông xã phải trở về Mỹ tiếp tục công việc, chị một mình bụng mang dạ chửa ở lại Việt Nam. Mang thai lúc đã lớn tuổi, bác sĩ yêu cầu chọc ối xét nghiệm hội chứng Down, sàng lọc các bất thường thai nhi. Vì quá lo sợ, chị từng nghĩ không chọc ối, dù thế nào cũng quyết sinh con ra. Được sự động viên từ xa của chồng, chị đi xét nghiệm và may mắn mọi thứ bình thường. "Lúc đón nhận kết quả, tôi khóc oà vì vui mừng", chị nói. Chị Thanh cho biết chi phí một lần thụ tinh ống nghiệm ở Mỹ khoảng 30.000 USD, tức gần 700 triệu đồng. Chi phí chữa trị ở Việt Nam hiện khoảng 100 triệu đồng, tỷ lệ thành công cao, mang lại nhiều vui cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn. Mỗi lần về Việt Nam, vợ chồng chị Thanh đều ghé thăm bác sĩ Diễm Tuyết, người mẹ thứ hai của con mình. Ảnh nhân vật cung cấp. Tiến sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết 15 năm qua, bệnh viện đã giúp hơn 2.000 cặp vợ chồng được thực hiện thiên chức làm bố mẹ. Tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm tại bệnh viện đạt 40-58%, ngang bằng các nước trên thế giới và trong khu vực. Bệnh viện có bộ phận nam khoa, khám và điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân hiếm muộn nam, tạo thuận lợi cho các cặp vợ chồng. Nơi đây thực hiện nhiều kỹ thuật hỗ trợ cao trong labo như nuôi cấy phôi ngày 5, hỗ trợ phôi thoát màng, sinh thiết phôi thực hiện chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD), xét nghiệm lệch bội tiền làm tổ (PGT-A)... Sáng 3/11, bệnh viện rộn ràng tiếng nói cười khi hàng trăm cặp vợ chồng từ khắp nơi cả nước đưa con đến hội ngộ các y bác sĩ. Chị Dương Thị Tâm, 36 tuổi cùng chồng và con trai 2 tuổi từ Hà Tĩnh lặn lội đến TP HCM. Tuyệt vọng trong con đường tìm con, anh chị biết thông tin bệnh viện thụ tinh miễn phí cho 20 cặp vợ chồng hoàn cảnh khó khăn. May mắn được chọn, chị có con ngay lần đầu chuyển phôi. Khi chuyển phôi ngày 10, mua que thử thai ở nhà chỉ có một mạch nên hai vợ chồng không nuôi hy vọng. "Đến ngày 14 vào viện xét nghiệm, lúc nhận thông báo đậu thai hai vợ chồng ôm nhau khóc trước mặt các y bác sĩ", chị Tâm nhớ lại. Câu chuyện của chị Hồ Thị Hồng, từ Long Thành, Đồng Nai cũng gây nhiều xúc động. Hai vợ chồng tìm đến Bệnh viện Hùng Vương sau 7 năm hiếm muộn. Trải qua 3 lần bơm tinh trùng và 4 lần thụ tinh trong ống nghiệm không thành công, anh chị không còn hy vọng. May mắn ở lần chuyển phôi thứ 5, chị mang song thai ở tuổi 34. Vượt cạn an toàn, hiện cặp đôi song sinh một bé trai một bé gái của chị lớn lên khoẻ mạnh, lém lỉnh. Dịp này, UBND TP HCM tặng bằng khen cho tập thể y bác sĩ Khoa Hiếm muộn. Năm 2018, khoa được cấp chứng nhận chất lượng về kỹ thuật sinh sản (RTAC) của Hiệp hội sinh sản Australia, trở thành một trong 5 bệnh viện đầu tiên cả nước đạt chứng nhận này. Từ tháng 6/2019, Bệnh viện Hùng Vương được Bộ Y tế cho phép thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress