Một cuốn bí kíp chứa đựng kiến thức được truyền lại bởi một samurai có tên Itō Ittōsai, vốn được mệnh danh là “chiến binh samurai" với 33 lần bất bại trong các cuộc tỷ thí vừa được tìm thấy, Live Science đưa tin. Các nhà nghiên cứu chưa xác định rõ ngày mất của samurai Ittōsai nhưng các ghi chép lịch sử cho thấy chiến binh này đã sống gần 90 tuổi. Cũng theo một số ghi chép, ông sinh ra vào năm 1560, vào thời kỳ Chiến quốc cho đến đầu thời Edo. Một kiếm sĩ huyền thoại khác cũng sống cùng thời kỳ này là Miyamoto Musashi, vốn nổi danh với kiếm pháp song kiếm hoàn hảo và độc đáo, cũng như kỷ lục bất khả chiến bại trong 61 trận đấu (so với 33 trận của Itō Ittōsai). Tuy nhiên, so với Itō Ittōsai, Miyamoto Musashi thuộc tầng lớp hậu bối khi kém khoảng 24 tuổi. Tạo hình của Itō Ittōsai trong bộ manga nổi tiếng Lãng khách (Vagabond). Theo xác định của các nhà nghiên cứu, cuốn bí kíp tổng hợp tuyệt kĩ của Itō Ittōsai được viết vào thế kỷ 17, khoảng vài chục năm sau khi samurai huyền thoại này qua đời. Theo đó, Ittōsai không tự mình chấp bút cuốn bí kíp "12 tuyệt kỹ dùng kiếm" mà chỉ dạy các đệ tử theo học phái kiếm Ittō-ryū (Nhất Đao Lưu) cực thịnh thời Edo. Các đệ tử của ông có những người nổi tiếng như: Ono Zenki, Kotōda Toshinao và Ono Tadaaki. Chính hậu duệ của đệ tử Ittōsai sau đó đã tổng hợp những tuyệt kĩ vào một quyển bí kíp. Theo Eric Shahan, dịch giả Nhật chuyên dịch văn bản võ thuật, cuốn bí kíp ghi lại các tuyệt kỹ dùng kiếm để đánh bại đối thủ được Itō Ittōsai đúc kết trong suốt quãng đời học kiếm đạo của mình. Đáng chú ý, quyển bí kíp cũng ghi hai câu chú bí ẩn, vốn được dùng để đánh thức sức mạnh tinh thần của một võ sĩ đạo. Cuốn bí kíp tổng hợp tuyệt kĩ của Itō Ittōsai được viết vào thế kỷ 17. (Ảnh minh họa). Theo Live Science, hai câu chú khá mơ hồ và khó hiểu. Một trong số chúng nói rằng samurai nên vẽ một số chữ Phạn trên lòng bàn tay. Sau đó, họ xoa đều tay, đọc câu chú rồi xoay tay một vòng trước khi miệng phát ra tiếng "Un". Cuối cùng, họ vỗ và cọ xát hai tay một lần nữa. Một trong các tuyệt kỹ trong bí kíp có tên là "Tâm Nhãn”. Tuyệt kỹ này cho rằng samurai không nên quan sát đối thủ bằng mắt thường. Thay vào đó, samurai cần nhìn họ bằng sức mạnh tinh thần. "Nếu quan sát bằng mắt thường, bạn có thể bị đánh lừa. Nhưng nếu nhìn bằng tâm trí, bạn sẽ luôn có được sự tập trung", cuốn bí kíp ghi rõ. Người dân Nhật Bản thế kỷ 17 coi samurai nắm vững tuyệt kỹ "Tâm Nhãn" là người có sức mạnh phi thường. "Thời đó, samurai nào biết chiêu thức này được cho là người có sức mạnh siêu nhiên", ông Shahan cho hay. Tuy nhiên, nếu phân tích dưới góc nhìn khoa học, tuyệt kĩ này đặc biệt hữu ích trong những trận đấu kiếm. Ittōsai không tự mình chấp bút cuốn bí kíp "12 tuyệt kỹ dùng kiếm" mà chỉ dạy các đệ tử theo học phái kiếm Ittō-ryū. “Bạn sẽ phản ứng nhanh hơn với những thứ di chuyển trong tầm quan sát của bạn. Nếu chỉ tập trung nhìn chằm chằm vào kiếm của đối phương và để ý kỹ từng bước di chuyển của họ, bạn sẽ khó có thể phản đòn kịp thời”, chuyên gia Shahan giải thích về tuyệt kĩ “Tâm nhãn”. “Ngược lại, việc cho phép đối thủ xuất hiện hiên hoàn toàn trong tầm nhìn của bạn, thay vì chỉ tập trung nhìn vào bất kỳ bộ phận nào, sẽ mang lại lợi thế lớn hơn. Tầm nhìn ngoại vi (vùng nằm ngoài khu trung tâm những gì bạn nhìn thấy rõ) sẽ cho phép bạn phản ứng nhanh hơn với bất kỳ chuyển động hay đòn tấn công nào của đối phương”. Cũng theo chuyên gia Shahan, câu chú trên có thể là một hình thức giúp các samurai ổn định về mặt tinh thần trước khi tỷ thí. “Nếu tâm trí của bạn rơi vào tình trạng hỗn loạn trước trận chiến, thất bại sẽ là điều chắc chắn. Bạn cần cho phép cơ thể phản ứng tự do và vô thức trước sự tấn công của đối phương”, chuyên gia này cho biết. Tuyệt kĩ Hồ Tâm có tác dụng cảnh báo các võ sĩ đạo tránh việc thận trọng quá mức. Một tuyệt kĩ khác cũng được đề cập đến trong quyển bí kíp của samurai huyền thoại Itō Ittōsai là “Hồ Tâm” (trái tim của con cáo), vốn có tác dụng cảnh báo các võ sĩ đạo tránh việc thận trọng quá mức. Bản chất tự nhiên của loài cáo là luôn thận trong và nghi ngờ, nhưng đây lại là điểm yếu chí mạng khiến chúng có thể bị giết. “Thay vì chạy một mạch, con cáo lại ngoảnh đầu lại để kiểm tra xem có ai đuổi theo nó hay không. Vì sự lưỡng lự này, thợ săn có thể bao vây và giết chết con cáo. Bài học ở đây là sự thận trọng quá mức dẫn đến kết cục đáng thương cho con cáo”, tuyệt kĩ Hồ Tâm ghi rõ. “Nếu một samurai tỏ ra phân tâm khi tỷ thí, đối phương sẽ tấn công ngay lập tức. Do vậy, điều cần thiết là bạn phải thật quyết đoán trong mọi hành động. Bạn phải mạnh mẽ rèn luyện bản thân để tâm trí rơi vào trạng thái vô thức”. Dịch giả Nhật Bản Shahan cũng cho biết các samurai học môn phái Nhất Đao Lưu được rèn luyện các tuyệt kỹ nhuần nhuyễn tới mức chúng "ăn sâu" vào cơ thể họ. Các samurai cần sức mạnh tinh thần cho phép cơ thể họ phản ứng nhanh nhạy mà không cần phán đoán tình hình. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV