Hai thợ lặn tình cờ phát hiện nhiều răng hóa thạch 2,5 triệu năm tuổi của quái vật biển Megalodon trong chuyến thám hiểm vịnh Mexico. Khoảnh khắc các thợ lặn phát hiện hóa thạch răng cá mập Megalodon. Video: Daily Star. Tổng cộng 13 chiếc răng cá mập hóa thạch đã được tìm thấy trong một hố chìm tự nhiên sâu 28 m ở thành phố Merida, thủ phủ bang Yacantan, Mexico. Các phân tích ban đầu về hình dạng và kích thước cho thấy chúng có thể thuộc ba loài cá mập khác nhau, trong đó có quái vật biển thời tiền sử Megalodon - loài cá mập lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất. Khám phá được thực hiện bởi hai nhà nghiên cứu hang động Vilchis Zapata và Erick Sosa Rodriguez trong chuyến thám hiểm vịnh Mexico vào tháng trước. "Chúng tôi thấy thứ gì đó bất thường nhô ra từ vách đá, đến gần kiểm tra đó là một chiếc răng cá mập. Chúng tôi rất phấn khích", Zapata chia sẻ. Trong số những hóa thạch của Megalodon, có một chiếc răng dài tới 7,6 cm. Những chiếc còn lại thuộc về hai loài cá mập vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay là cá nhám cưa (Pristiophoridae) và cá mập mako vây ngắn (Isurus oxyrinchus). Chiếc răng lớn nhất dài 7,6 cm (3 inch) của cá mập Megalodon. Ảnh: Daily Star. Với chiều dài khoảng 20 m và có trọng lượng ước tính lên tới 60 tấn, Megalodon được biết đến là một trong những động vật săn mồi to lớn và mạnh mẽ nhất trên Trái Đất. Loài cá mập khổng lồ này sống cách đây khoảng 3,6 - 23 triệu năm, trong giai đoạn từ thế Trung Tân sớm đến thế Thượng Tân. Đoàn Dương (Theo Daily Star) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress