Chàng trai không tai chinh phục con đường làm khoa học

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Oct 31, 2019.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 103)

    Phạm Đức Chinh sinh ra không có vành và ống tai nên khó nghe, chậm nói, nhưng tốt nghiệp đại học loại giỏi, quyết tâm trở thành nhà hóa học.

    7h sáng, Chinh (26 tuổi, người Thái Bình) đã có mặt ở phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên, Đại học Bách khoa Hà Nội. Một ngày làm việc thông thường của anh bắt đầu bằng việc đến phòng lab để kiểm tra tình trạng vận hành máy móc đồng thời hướng dẫn sinh viên thực hiện đồ án tốt nghiệp hoặc làm thí nghiệm cô đặc các loại nước hoa quả.

    Nhìn chàng trai dị dạng sọ mặt, không có gò má, hở hàm ếch, không vành tai và ống tai, ít người nghĩ anh từng tốt nghiệp loại giỏi, nằm trong top 20 của trường, đang đảm nhiệm vai trò là trợ lý nghiên cứu tại Viện. Công việc của Chinh nhiều người mơ ước, nhưng con đường anh đến với nhiệm vụ này không "trải hoa hồng".

    [​IMG]
    Hàng ngày, Phạm Đức Chinh đều đạp xe đến trường, dù nhà cách trường chỉ 1km. (Ảnh: Thùy An).

    Chinh mắc di tật bẩm sinh từ nhỏ. Do không vành tai và ống tai nên nghe rất khó khăn. Lên ba tuổi, anh mới bắt đầu tập nói. Năm 7 tuổi, vào lớp một Chinh cảm nhận rõ sự khác biệt với mọi người.

    "Với ngoại hình không giống ai, kết cấu cơ mặt không hoàn chỉnh đã buộc mình phải học cách thích nghi và nỗ lực để được đến trường", anh nói. Lớp 8, Chinh làm quen với môn Hoá học và thấy hứng thú. Anh say mê, tìm hiểu thêm về các thí nghiệm cơ bản hay các phản ứng hoá học và nghĩ "tương lai của mình đây rồi". Từ đó, chàng trai Thái Bình bỗng tìm thấy niềm vui khi đến trường, thành tích học tập ngày càng cải thiện. Từ học sinh trung bình, Chinh vươn lên thành học sinh khá, giỏi, riêng tổng kết môn hoá học luôn trên 9.

    "Mọi người đều nghĩ mình không thể đi học, thậm chí nói 'vì khuyết tật nên được thầy cô nâng đỡ'. Lời xúc phạm nhiều đến nỗi không thể kể ra hết trong một ngày", Chinh nói.

    Tình cờ một lần, Chinh nghe các thầy cô giới thiệu về Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh quyết định thi vào ban khoa học tự nhiên để theo đuổi ước mơ vào khoa kỹ thuật hoá học của trường.

    Xác định đường đi, Chinh nỗ lực và nghiêm khắc hơn với bản thân mình. May mắn hơn khi anh có sự động viên từ bố mẹ để có thêm động lực bước tiếp. "Chinh là con một, lại thiệt thòi đủ bề nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghĩ sẽ bỏ mặc con", bà Vũ Thị Oanh, mẹ Chinh nói. Nhờ đó, Chinh chưa từng thấy lạc lõng giữa cuộc đời.

    Ngoài bố mẹ, Chinh còn một người bạn thân là anh Đoàn Trọng Quang, 25 tuổi. Từ mẫu giáo, Quang đã cùng Chinh đến trường. Những ngày mưa gió, anh sang chở Chinh đi học. Trong giờ học, anh thường nhắc lại lời thầy cô khi Chinh không nghe rõ nên mọi người gọi họ là "đôi bạn cùng tiến". Quang cũng tự nhận mình là "bảo kê" trung thành và bênh vực Chinh mỗi khi anh bị mọi người trêu chọc.

    "Mọi người đều nghĩ là mình là người giúp đỡ cho Chinh nhưng thực chất là ngược lại. Nhờ Chinh, mình học được cách đối mặt để vươn lên và sống ý nghĩa hơn mỗi ngày", Quang nói.

    [​IMG]
    8 tiếng ở trường, 2 tiếng ở nhà, Chinh tranh thủ đọc sách, tài liệu khoa học và các bằng sáng chế để tìm cách áp dụng cho phù hợp. (Ảnh: Thùy An).

    Năm 2012, Chinh đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 25,5 và môn hoá 9 điểm. Biết đi học xa nhà sẽ thêm gánh nặng cho cha mẹ nhưng chàng trai 1,5 mét muốn được thử sức ở môi trường mới. Ngoài thời gian tự học, anh còn được bạn bè hỗ trợ và giáo viên giúp đỡ, đến tận bàn giảng lại chỗ không nghe được.

    "Ở đây, tôi được chào đón vì chẳng ai kỳ thị khi tiếp xúc với một người khuyết tật. Nhờ đó tôi không mất quá nhiều thời gian để ổn định", Chinh nói.

    Năm 2017, anh tốt nghiệp loại giỏi với số điểm 3.2 và nằm trong top 20 của trường. Riêng kì 1 năm 3, anh là một trong hai người được học bổng loại A với số điểm là 3.9/4. Năm năm đi học, Chinh đều đặn đạp xe đến trường, không nghỉ buổi nào, bất kể thời tiết nắng mưa. Đến nay, anh viết được ba bài báo nghiên cứu khoa học, trong đó có một bài báo quốc tế. Anh dự định tiếp tục nghiên cứu khoa học để phát triển năng lực và bộ môn mà mình đang theo học.

    Hai năm sau, anh quay lại trường học cao học đồng thời làm trợ lý nghiên cứu và phát triển các ứng dụng hợp chất thiên nhiên.Theo Chinh, công việc nghiên cứu rất bận và phải đầu tư nhiều thời gian. Thế nhưng, nghiên cứu khoa học giúp anh quên hết mọi muộn phiền và khó khăn trong cuộc sống. Chàng trai chìm đắm trong các thí nghiệm bởi với anh, niềm vui của một nhà khoa học là tạo nên những khám phá thú vị.

    [​IMG]
    Chinh làm việc tại phòng thí nghiệm. (Ảnh: Thùy An).

    Ngoài thời gian rảnh, Chinh còn thích đọc sách để trau dồi thêm kiến thức cho mình. Những cuốn sách nghiên cứu được anh gối đầu giường, "thích là với tay lấy đọc". Tự nhận mình là người lạc quan, Chinh chưa bao giờ thấy tủi thân vì sinh ra khác biệt. Anh luôn dặn mình phải thích nghi và đi lên bằng chính khả năng của mình.

    "Tôi không muốn bị gọi là khuyết tật vượt khó, tôi muốn được làm người bình thường", Chinh nói.

    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn KhoaHoc.TV
     
  2. Facebook comment - Chàng trai không tai chinh phục con đường làm khoa học

Share This Page