Hà NộiKết quả điều tra của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định hai bệnh nhân tử vong do viêm cơ tim cấp riêng lẻ, không gây dịch. Thông tin được ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết sáng 29/10, sau khi để xác định thông tin "virus gây viêm cơ tim lây lan" tại Hà Nội. Các chuyên gia Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, hôm 28/10 đã tiến hành thu thập thông tin ca bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, phòng khám đa khoa Hồng Ngọc; điều tra nơi làm việc, gia đình và cộng đồng bệnh nhân sinh sống. Kết quả, từ ngày 15/10 đến 23/10 có hai nữ bệnh nhân lần lượt nhập viện do sốt, điểm chung là đều tiền sử khỏe mạnh, làm việc ở hai phân viện trực thuộc Viện Khoa học Thủy lợi song không quen biết nhau, chưa từng tiếp xúc nhau. Bệnh nhân đầu tiên là Bùi Thị Ngân 43 tuổi, ngày 15/10 sốt nhẹ kèm mệt mỏi. Bốn hôm sau, chị sốt cao kèm tức ngực, khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội test cúm A, B và sốt xuất huyết đều âm tính. Tối cùng ngày, bệnh nhân xuất hiện mạch nhanh, huyết áp tụt, xét nghiệm men tim tăng, được chẩn đoán viêm cơ tim cấp và chuyển sang cấp cứu ở Bệch viện Bạch Mai nhưng không qua khỏi. Chiều 23/10 chị Phùng Mai Ly 34 tuổi sốt kèm mệt mỏi, tim đập nhanh, đi ngoài. Hai ngày sau, bệnh nhân nôn nhiều, đau bụng và đau tức vùng lưng, không ăn được, cấp cứu ở phòng khám đa khoa Hồng Ngọc trong tình trạng ý thức vật vã, kích thích, da niêm mạc nhợt, mạch yếu, không đo được huyết áp, không làm được điện tim, không lấy máu xét nghiệm được. Bệnh nhân suy tuần hoàn chưa rõ nguyên nhân, chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, tử vong với chẩn đoán ngừng tuần hoàn, theo dõi viêm cơ tim cấp. Trong vòng hai tuần trước khi khởi phát, hai bệnh nhân này không đi nước ngoài, không tiếp xúc với người bị ốm sốt, không tiếp xúc với người nước ngoài. Tại Phòng Thí nghiệm Trọng điểm quốc gia về động lực học, nơi công tác của bệnh nhân Ngân, có khoảng 70 người làm việc, hiện tại sức khỏe đều bình thường, chưa ghi nhận trường hợp ốm nghỉ làm. Tại Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, nơi công tác của bệnh nhân Ly, khoảng 65 người làm việc, sức khỏe hiện cũng bình thường. 9 người trong gia đình các bệnh nhân có tiếp xúc gần, sức khỏe đều bình thường, khỏe mạnh. Cộng đồng nơi hai bệnh nhân sinh sống không ghi nhận trường hợp nào nghi mắc bệnh tương tự. Hai bệnh nhân diễn biến nhanh nên bệnh viện không lấy được các mẫu bệnh phẩm cần thiết cho xét nghiệm vi sinh. "Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy đây là hai trường hợp mắc bệnh viêm cơ tim cấp riêng lẻ, tản phát, không phải dịch lây lan", tiến sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh Truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khẳng định. Tiến sĩ Nghĩa cũng cho biết chưa hề nghe "virus viêm cơ tim lây lan qua hô hấp". Trong danh sách kiểm soát các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam cũng như thế giới, không có thuật ngữ này. Phó giáo sư Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, viêm cơ tim, như tên gọi, là tình trạng viêm toàn bộ hoặc một phần khối cơ tim. Nguyên nhân viêm cơ tim thường gặp là do virus hoặc bệnh lý tự miễn. Ở nhóm nguyên nhân tự miễn, chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công mô cơ tim lành chứ không phải vi khuẩn. Bệnh lý tự miễn có thể là nguyên nhân gây viêm cơ tim hoặc tổn thương cơ quan khác. Bên cạnh đó, một số thuốc bệnh nhân đang dùng cũng có thể gây viêm cơ tim. Viêm cơ tim biểu hiện ở các mức độ từ nhẹ đến nguy kịch, nhiều trường hợp tự khỏi, một số ca để lại hậu quả nặng nề cho tim, thậm chí tử vong. Cũng theo bác sĩ Hải, viêm cơ tim biểu hiện triệu chứng rất đa dạng, phụ thuộc thể bệnh, nguyên nhân và một số yếu tố khác. Các triệu chứng bao gồm: suy tim, mệt, khó thở, đau ngực, rối loạn nhịp tim... Nếu gặp một trong các triệu chứng nêu trên người dân cần đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Tuần qua cộng đồng và mạng xã hội lan truyền tin virus lạ xuất hiện ở Hà Nội gây viêm cơ tim làm hai người chết. Nhiều người lo lắng, hoang mang virus lây lan thành dịch. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress