Những con chuột nước thông minh tìm ra cách giết cóc mía độc bằng cách moi tim và khoét nội tạng con mồi với độ chính xác như bác sĩ phẫu thuật. Xác cóc mía bị chuột nước moi tim. Ảnh: Twitter. Chỉ trong hai năm, rakali, loài chuột sinh sống nửa dưới nước, nửa trên cạn thích nghi để tiêu diệt các động vật xâm hại ở vùng Kimberly thuộc bang Western Australia theo cách an toàn, sử dụng độc chiêu loại bỏ túi mật và ăn tim. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 23/9 trên tạp chí Australian Mammalogy. Tiến sĩ Marissa Parrott, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ cô và cộng sự bắt đầu chú ý tới xác những con cóc mía bị rạch với thủ pháp đặc biệt. "Đó là một con lạch nhỏ, dài 3 - 5 m. Ngày nào chúng tôi cũng tìm thấy xác cóc mía, số lượng lên tới 5 con vào mỗi buổi sáng. Chúng nằm lật ngửa, bị rạch ở ngực với độ chính xác gần sánh ngang bác sĩ phẫu thuật. Túi mật của chúng, nơi chứa axit mật cực độc, thậm chí còn bị lấy ra khỏi cơ thể. Thủ phạm biết cách loại bỏ bộ phận đó", tiến sĩ Parrott cho biết. Theo tiến sĩ Parrott, những con chuột hiểu rõ bộ phận nào trên cơ thể cóc có độc. Chúng sử dụng hàm răng sắc nhọn và chi trước khéo léo để ăn phần không có độc, đồng thời tách bộ phận có độc. Ở con cóc cỡ trung bình, ngoài ăn tim và gan, chuột nước còn lột lớp da độc ở một hoặc hai cẳng chân và ăn phần cơ đùi không có độc. Nhóm nghiên cứu quan sát 38 xác cóc trôi nổi trên sông hoặc đáy lạch nước trong 15 ngày. Tất cả xác cóc đều có vết rạch ở vùng ngực dài khoảng 10,8 mm, rộng 12,2 mm. Kết quả nghiên cứu hé lộ chuột nước cố ý nhắm vào cóc mía cỡ lớn, chiếm 2,5% số lượng quần thể nhưng đóng góp tới 74% số xác cóc tìm thấy. Chuột nước đè ngửa cóc trên nền đất, ăn các bộ phận cơ thể trong khi con mồi vẫn còn sống. Bản thân chuột nước có kích thước khá lớn. Chúng có đủ sức mạnh để hạ gục cóc lớn, moi tim và gan. Bằng cách giết cóc lớn, chúng có thể dễ dàng tránh các cơ quan có độc như túi mật hơn, Parrott giải thích. Nhóm nghiên cứu cho rằng chuột nước học được kỹ thuật thông qua phương pháp thử và lỗi hoặc qua kinh nghiệm trước đó khi ăn thịt những loài ếch nhái độc bản xứ. Chuột bố mẹ cũng có thể giúp con non học hỏi tuyệt chiêu. Thông qua nghiên cứu, Parrott hy vọng có thể làm sáng tỏ những mối đe dọa từ môi trường mà chuột nước đang đối mặt, đồng thời chỉ ra tầm quan trọng và trí thông minh của loài chuột bản xứ Australia. An Khang (Theo Fox News) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress