Chiến dịch 'Xăm tên nhóm máu lên người' thập niên 50

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Oct 26, 2019.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 87)

    MỹNgười lớn, trẻ em xếp hàng dài đợi xăm nhóm máu lên cánh tay trái, trở thành ngân hàng máu di động trong trường hợp khẩn cấp.


    Đầu những năm 1950, Chương trình Operation Tat-type( Xăm nhóm máu lên người) được triển khai ở bang Utah và Indiana, nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ lượng máu hiến cho những binh lính bị thương sau các cuộc tấn công nguyên tử.

    Những hình xăm "A-", "A+", "B-"... kích cỡ bằng đồng xu trên cơ thể giúp các nhân viên y tế ngay lập tức xác định nhóm máu hiến, không cần tốn thời gian xét nghiệm, kịp thời cấp cứu cho các binh lính bị thương.

    Ngày nay, việc xăm tên nhóm máu lên người và đưa một đứa trẻ vào danh sách những người sẽ được gọi đi hiến mấu bất cứ lúc nào có vẻ độc ác, dã man. Song trong bối cảnh kho máu tại các cơ sở y tế thiếu trầm trọng, Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Lạnh đang đến thời kỳ gay cấn, Operation Tat-type được một số nhà lãnh đạo đánh giá cao. Hình ảnh người lớn, trẻ em xếp hàng đợi tới lượt được xét nghiệm nhóm máu rồi xăm tên nhóm máu lên dưới cánh tay trái trở nên quen thuộc.

    [​IMG]

    Hình xăm có kích thước bằng đồng xu, được xăm dưới cánh tay trái. Ảnh: World War II Grave

    Bác sĩ Andrew Ivy, làm việc tại Hiệp hội Y khoa Mỹ, là người đầu tiên đề xuất xăm nhóm máu lên người tại Mỹ. Ông đã có thời gian làm chứng tại vô số các cuộc thử nghiệm ở Nichberg sau Thế chiến thứ II và quan sát thấy một số thành viên đội cận vệ của Đức Quốc xã có hình xăm tên nhóm máu cá nhân trên người. Ông mang theo ý tưởng này về Mỹ, như một cách giải quyết tình trạng nguồn cung máu đang giảm nhanh chóng do cuộc chiến tranh Triều tiên gây ra.

    Theo cách này, nếu Liên Xô quyết định bắt đầu tấn công các mục tiêu ở Mỹ, sẽ có một nguồn cung cấp máu sẵn sàng điều trị cho những bệnh nhân phóng xạ sau các cuộc tấn công hạt nhân.

    Là thành viên của Ủy ban Quốc phòng Y tế Chicago, Andrew đã vận động cho ý tưởng này được thực hiện ở Chicago. Dù được Hiệp hội Y khoa Chicago, Hội đồng Y tế và một số công dân tại bang này hoàn toàn ủng hộ, chương trình cuối cùng cũng không được triển khai tại Chicago.

    Năm 1951, tại Quận Lake, Indiana, 15.000 cư dân tham gia xăm, tình nguyện ghi tên trong danh sách hiến máu, 60% trong số này chọn xăm vĩnh viễn. Chương trình được hưởng ứng nhiệt tình, Ủy ban Quận Lake quyết định mở rộng đối tượng hiến máu sang trẻ em. Khi được gia đình đồng ý, những đứa trẻ sẽ được xăm tại trường. Đến năm 1955, Quận Lake có tổng cộng 60.000 thuộc mọi lứa tuổi có hình xăm nhóm máu trên người.

    Dù biết trước, nhiều đứa trẻ không giấu nổi sự lo lắng, sợ sệt khi đứng trước phòng y tế. Năm 1952, John MacGowan, học lớp một tại trường Lanier, bang Indiana, chia sẻ câu chuyện "xăm mình" trên Washington Post. Cậu là một trong những đứa trẻ tham gia chương trình Operation Tat-typed khi đó.

    [​IMG]

    Trẻ em Quận Lake, Indiana xếp hàng chờ được xăm tên nhóm máu. Ảnh: Vintage News

    John mô tả quá trình xăm mình là một trải nghiệm "kinh khủng", các bạn cùng lớp cậu xếp hàng chật kín hành lang dẫn đến phòng y tế, hồi hộp chờ được gọi tên. "Từng người một lần lượt bước vào phòng", John viết.

    Bên trong phòng y tế, những đứa trẻ gào khóc, thét lên khi cây kim tiêm cắm vào tĩnh mạch, từng giọt máu dần dần được rút ra. "Chứng kiến cảnh tượng này, các bạn của cháu vốn trước đó đã sợ hãi lại càng lo lắng, mặt bạn nào bạn nấy xanh xao". John nói đùa rằng điểm số cao nhất cậu từng đạt được ở trường là "điểm A+", chính là nhóm máu được xăm trên người cậu.

    Đứa trẻ nhỏ nhất được xăm nhóm máu là Paul Bailey ở Milford, Utah. Năm 1955, Paul chào đời tại Bệnh viện Beaver County và được xăm nhóm máu lên người chỉ hai giờ sau sinh dưới sự đồng ý của gia đình.

    Thời điểm đó, xăm mình bị các tín đồ giáo phái Mặc Môn (Mormon) kịch liệt phản đối, họ cho rằng việc xăm bất kỳ một hình gì lên cơ thể dù to hay nhỏ làm mất đi sự tự nhiên, giá trị vốn có của cơ thể. Song, xăm tên nhóm máu là một ngoại lệ. Đại diện của Giáo hội tuyên bố cho phép các thành viên thực hiện xăm mình, hiến máu, càng làm tăng số người dân Utah tình nguyện tham gia vào chương trình.

    Một tòa báo tại New Jersey còn nhận được yêu cầu xăm số an sinh xã hội của từng người bên cạnh nhóm máu để tiện cho việc xác định danh tính khi cần thiết. Song, đến nay vẫn chưa có bằng chứng chứng minh ý tưởng đó được hiện thực hóa.

    [​IMG]

    Nhiều người vẫn còn hình xăm nhóm máu dưới cánh tay, dù không còn nhìn rõ. Ảnh: World War II Grave

    Chiến dịch ủng hộ và quảng bá chương trình Operation Tat-type chỉ được thực hiện và hưởng ứng trong phạm vi hai bang Utah và Indiana. Từ nửa sau thập niên 50, Chiến tranh Triều Tiên đi đến hồi kết, giảm nhu cầu máu hiến. Đồng thời, người Mỹ cũng nhận thức được hiến máu không thể giải quyết được hậu quả to lớn chiến tranh hạt nhân mang lại. Số lượng những người tình nguyện tham gia ngày càng giảm, Operation Tat-type dần ngưng hoạt động.

    Ngày nay, rất nhiều người vẫn còn những hình xăm nhóm máu trên cơ thể. Tuy hình dạng hình xăm đã bị méo mó, không còn nguyên vẹn, một phần dấu tích của chiến tranh như đã ăn vào da vào thịt họ.

    Lê Hằng (Theo Vintage News)


    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Chiến dịch 'Xăm tên nhóm máu lên người' thập niên 50

Share This Page