Hệ sinh thái dọc bờ biển từ bang California đến Oregon của Mỹ đang đối mặt với 'binh đoàn' nhím biển tím, với số lượng nhím tăng hơn 10.000% kể từ 2014, mà nguyên nhân được cho là do sự gia tăng nhiệt độ nước biển. Hàng triệu con nhím biển tím phàm ăn đang gặm nhấm các khu rừng tảo bẹ ngoài khơi bang California và đang "bắc tiến" về phía bang Oregon. Giới khoa học lo ngại các loài sinh vật khác có nguy cơ chết đói khi hệ sinh thái bị tàn phá. Những con nhím biển tím háu ăn đang tấn công bờ biển Mỹ - (Ảnh: GUARDIAN). Hiện tại, chi riêng một khu vực ở bờ biển Oregon có hơn 350 triệu con nhím biển, tăng 10.000% trong vòng 5 năm qua, trong khi tại bắc California, hơn 90% cánh rừng tảo bẹ đã bị tàn phá đến mức có lẽ sẽ không bao giờ phục hồi được. Các nhà khoa học Mỹ đang hợp tác với các bên tư nhân để ngăn chặn "binh đoàn" tím này. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn khi tàu thuyền khó có thể đi vào các khu rừng tảo bẹ dày đặc. "Anh không thể cứ ra đó và tiêu diệt chúng. Có quá nhiều con và chúng tôi không biết mình có thể làm được gì" - hãng tin AP dẫn lời nhà khoa học Scott Groth thuộc cơ quan quản lý cá và động vật hoang dã của Oregon nói. Một trong những giải pháp được chú ý là thúc đẩy đánh bắt loài này và đưa chúng ra chợ hải sản, đặc biệt là những thị trường có nhu cầu tiêu thụ nhím biển và hải sản cao. Khó mà tiêu diệt hết "binh đoàn" nhím biển khổng lồ này - (Ảnh: GUARDIAN). Sự bùng nổ nhím biển tím là vấn đề mới nhất trong chuỗi trục trặc của hệ sinh thái Thái Bình Dương tại Mỹ. Trước đó, loài tảo bẹ tại khu vực này từng bị ảnh hưởng bởi tình trạng nước biển ấm lên ở Thái Bình Dương. Năm 2013, một căn bệnh bí ẩn giết sạch hàng chục triệu con sao biển, trong đó có một nhóm là thiên địch của loài nhím biển tím. Không còn kẻ thù, loài nhím biển này phát triển ngoài tầm kiểm soát. "Chúng ta sẽ thấy sự thay đổi khí hậu đóng vai trò lớn trong sự thay đổi của rừng tảo bẹ và chúng ta đang thấy điều đó" - nhà khoa học Norah Eddy của California nhận định. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV