Không đơn giản chỉ truyền mầm bệnh từ chim sang chim, cúm A/H5N1 từ phân và nước bọt chim yến mang bệnh có khả năng truyền qua gà vịt rồi sang người. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện chim (yến) mang virus H5H. Các virus cúm A đều được tìm thấy trên nhiều loài chim khác nhau, kể cả các loài chim di trú bay rất xa từ lục địa này đến lục địa khác nên có khả năng truyền virus qua phân và nước bọt đến các loài gia cầm và sau đó sang người. Phân của chim yến mang virus cúm có thể khiến các loại gia cầm khác bị lây bệnh. Ảnh minh họa: T.L Không thể xác định H5N1 đã ở loài chim yến bao lâu rồi vì không có ai khảo sát. Với virus H5N1 thì người mắc bệnh là vào 2003 nhưng trước đó khảo sát của Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã phát hiện H5N1 trên gia cầm trong các chợ gà vịt ở miền Bắc từ 2001 -2003. Các virus trên chim thường không gây bệnh cho chim nhưng cũng có khi làm chết hàng loạt. Chết với tỷ lệ 5.000/100.000 trên đàn chim tại một cơ sở ở Ninh Thuận là khá nhiều và nếu xác định do H5N1 thì đáng lo ngại cần có biện pháp ngăn chặn. Khi phát hiện được chim yến mang H5N1 thì đó là điều đáng lo ngại vì chim có thể giúp virus lan truyền rộng rãi hơn gà vịt. Hiện nay có nhiều người sử dụng cao ốc trong thành phố để chim yến làm tổ, điều này lại càng làm cho nguy cơ lây nhiễm H5N1 càng gia tăng vì ngoài người tiếp xúc với chim yến thì chim có thể gây bệnh cho gia cầm nữa. Tiêu hủy hàng loạt gia cầm hay chim là biện pháp khẩn cấp cần thiết có thể giúp ngăn chặn sự lan truyền virus gây bệnh. Hiện chưa có bằng chứng chim yến dễ dàng truyền virus H5N1 sang người nhưng với kinh nghiệm H5N1 trên gia cầm cho thấy nếu tiếp xúc gần với gia cầm bệnh thì nguy cơ mắc bệnh rất cao. Người tiếp xúc gần và kéo dài với chim nhất là với phân và nước bọt thì nguy cơ bệnh cũng sẽ cao. Gà vịt có dù sống dưới đất vẫn có thể bị lây bệnh từ chim qua phân chim. Ảnh minh họa: Thiên Chương. Với quan điểm phòng bệnh, phải đi trước thì cần can thiệp, nếu chờ có bằng chứng rõ ràng thì nhiều khi chậm mất. Đây là quyết định khó khăn và đau đớn vì sẽ ảnh hưởng đến nhiều người đến kinh tế. Nhất là khi chim yến mang H5H1 thì khả năng lan truyền virus dễ dàng và rộng rãi hơn. Giải pháp tiêu hủy toàn đàn với gia cầm hay chim đã được chứng tỏ là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lan truyền virus từ gia cầm qua người. Những thiệt hại của những người chăn nuội gia cầm cần được xem xét cân nhắc với lợi ích của sức khỏe cộng đồng. Các thiệt hại do tiêu hủy gia cầm hay chim vì sức khỏe cộng đồng chắc chắn cần được đền bù. Trong những thời điểm nhạy cảm như thế này các biện pháp đối phó bao giờ cũng mang tính tranh cãi. Chúng ta vừa kỷ niệm 10 năm dịch SARS ở Việt Nam và nếu không kiểm soát được H5N1 (có từ 2004) chúng ta phải đối mặt với những nguy cơ và thiệt hại to lớn hơn. Phải luôn cảnh giác với dịch bệnh. Giáo sư - Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Tịnh Hiền Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại Học Oxford Anh Quốc (OUCRU) Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM Nguồn VNExpress