Hà NộiĐêm trước ngày Phụ nữ Việt Nam, Vương trở về nhà sau chuyến xe ôm muộn, một mình trong căn phòng nhỏ bỗng thấy nhớ mẹ, nhớ nhà... Không ngủ được, nghĩ đến cuộc đời đến nay 32 tuổi vẫn chưa báo hiếu được cho mẹ và ngày mình ra đi bất cứ lúc nào do bệnh tan máu, Hà Văn Vương trở dậy viết thư cho mẹ. "Hình hài con khi còn là cát bụi, lớn lên dần qua tim mẹ bao dung... Ở nơi đây con chỉ có một mình, cái thời tiết lành lạnh của Hà Nội làm cho con lại cảm thấy nhớ mẹ nhiều hơn và bao nhiêu kỷ niệm ngày bé ùa về trong con, làm con muốn về ngay với mẹ. Thế nhưng, chưa bao giờ đứng trước mặt mẹ mà con dám bày tỏ tình cảm của mình, cũng chưa bao giờ mẹ nhận được từ con một lời chúc hay một bông hoa vào những ngày của mẹ. Mẹ có buồn về con nhiều lắm không ạ? Mấy hôm nay con thấy mình khó chịu trong người. Con biết căn bệnh tan máu bẩm sinh của con mỗi ngày một nặng, sức khỏe mỗi ngày một yếu đi. Con đã không thể đếm nổi số bịch máu đã được truyền. Mẹ ơi... nếu lỡ may con mất trước mẹ, làm sao mẹ chịu được đây? Con chưa làm được gì được cho mẹ, cho gia đình, cho những người con thương. Nhưng có ai biết được, người ra đi cũng đau khi biết mình sẽ phải từ bỏ tất cả những gương mặt thân thương mà biết rằng mình không bao giờ được gặp nữa, đau vì biết rằng mình sẽ làm họ đau theo. Có nỗi đau nào hơn là nỗi đau chia xa, xa người thân của mình vĩnh viễn? Nếu chẳng may con ra đi trước, căn nhà sẽ trống trải hơn. Con sẽ không thể chở mẹ đi chợ mỗi ngày, không thể xoa tay chân cho mẹ mỗi khi mẹ ốm, nhưng con vẫn bên cạnh mẹ hàng ngày, chỉ có điều con không nói được, không chạm được vào mẹ mỗi ngày". Hàng tháng, Vương phải vào Viện huyết học truyền máu, thải sắt. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Anh Hà Văn Vương ở Thanh Hóa, phát hiện bị tan máu bẩm sinh thể nặng vào năm 20 tuổi sau một trận sốt cao không dứt. Trước đó, Vương thường xuyên đau ốm. Năm 7 tuổi, Vương nhập viện nhi Thanh Hóa và phải phẫu thuật cắt lách do bị phù nhưng không phát hiện ra bệnh. Năm 2008, Vương bị sốt cao. Tại Bệnh viện Bạch Mai, Vương được kết luận mắc bệnh tan máu bẩm sinh cả đời gắn với bệnh viện. Hai năm sau, Vương chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Thời gian đầu, cứ ba đến bốn tháng, Vương đến viện để truyền máu, thải sắt. Bảo hiểm y tế chi trả một phần chi phí. Gần đây, bệnh nặng hơn nên cứ hàng tháng, anh phải vào viện để điều trị thường xuyên. Chàng trai cao 1,57 m, nặng 46 kg, nói ước mơ bây giờ chỉ mong có đủ sức khỏe để không làm bố mẹ phiền lòng. "Mình và em gái cùng bị tan máu bẩm sinh nên mẹ đã vất vả, ngược xuôi chạy chữa hàng chục năm trời. Mình thương mẹ lắm", anh nói. Tháng 5/2017, Vương lên Hà Nội ở trọ để thuận tiện điều trị, vừa tìm thêm việc làm mưu sinh. Mỗi ngày, anh chạy xe ôm để có thu nhập trang trải cuộc sống và lo viện phí. Hầu hết, anh chạy xe ôm vào ban ngày, đêm về nghỉ ngơi. Chiếc xe máy trở thành gia tài quý giá nhất. Vương (áo đen) chạy xe ôm mỗi ngày để trang trải viện phí. Ảnh: Bệnh viện cung cấp Chia sẻ bức thư viết cho mẹ, Vương nhận được điện thoại của mẹ đầy cảm xúc vẫn không quên động viên con lạc quan chữa bệnh. Ước mong lớn nhất của Vương là sống tốt, sống có ích để mọi người không áp lực. "Lắm lúc nghĩ thấy cuộc đời mình nhiều nỗi buồn nhưng tình yêu của mẹ đã khỏa lấp hết", chàng trai tự nhủ dù khó khăn cũng không bỏ cuộc. Đoạn cuối bức thư gửi mẹ ngày 20/10 của chàng trai, viết: "Mẹ hay nói với con rằng cái chết chẳng có gì đáng sợ cả, cuộc sống này mới khó khăn. Chúng ta phải sống thế nào cho tốt vì khi chết đi, con người cũng trở về cát bụi mà thôi, còn duyên còn nợ thì còn sống, hết duyên hết nợ thì ra đi. Cho dù đã hết duyên hết nợ với cuộc đời, nhưng con vẫn còn nợ mẹ, nợ những người thân yêu bao điều chưa làm và chưa nói hết...". Thùy An Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress