Khi ăn no, máu sẽ dồn xuống thúc đẩy quá trình tiêu hóa ở dạ dày, dẫn đến lượng máu lên não giảm, gây buồn ngủ, mệt mỏi. Tiến sĩ Tomonori Kishino, giáo sư khoa học sức khỏe tại Đại học Kyorin, Nhật Bản, cho biết hai bộ phận tiêu tốn nhiều năng lượng nhất trong cơ thể con người là não bộ và ruột. Sau khi ăn xong, năng lượng trong cơ thể con người sẽ được dồn xuống hệ tiêu hóa. Khối lượng lớn máu được đẩy xuống dạ dày để co bóp, thúc đẩy quá trình tiêu hóa nên lượng máu lên não bộ và các cơ quan khác sẽ bị giảm đi. Đây là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng buồn ngủ sau khi ăn no. Cơn buồn ngủ sẽ nghiêm trọng hơn nếu chúng ta ăn các món có nhiều chất ngọt và tinh bột. Do thức ăn đi xuống ruột nhanh, nồng độ chất insulin tăng lên cao khiến lượng đường trong máu hạ thấp. Thức ăn ngọt và tinh bột kích thích não sản xuất một lượng lớn chất dẫn truyền thần kinh serotonin khiến ta cảm thấy buồn ngủ. Triệu chứng mệt mỏi buồn ngủ cũng có thể xảy ra khi bữa ăn có nhiều chất ngọt và tinh bột. Ảnh: Science Info Nhóm nghiên cứu từ trường Đại học Y tế Công cộng Sao Paulo, Brazil, đã khảo sát các tài xế xe tải. Kết quả cho thấy, những người ăn chế độ ăn nhiều rau và chất béo từ thực phẩm như dầu ô liu và sữa có xu hướng ít buồn ngủ sau bữa ăn hơn những người ăn nhiều thịt, đồ ăn nhanh và nước ngọt. Claudia Moreno, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết lượng chất béo hoặc carbohydrate nặng có thể có khả năng gây buồn ngủ bằng cách phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể. Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ tạo ra cơn buồn ngủ thấp hơn trong ngày. Moreno khuyên nếu muốn tránh tình trạng buồn ngủ sau khi ăn no, bữa ăn nên được cân bằng giữa các loại rau, protein, carbohydrate và chất béo lành mạnh. Ăn một bữa ăn nhỏ hơn sẽ giúp chúng ta tỉnh táo sau bữa trưa, đặc biệt là khi bạn đang ở văn phòng. Sau khi ăn nên đi bộ để tăng tuần hoàn máu và kích thích cơ bắp, giúp cơ thể tỉnh táo hơn. Cẩm Anh (Theo Science Info) Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress