Nhiều phụ nữ quyết định không sinh con hoặc sinh ít con, khiến số trẻ em chào đời tại nhiều nước châu Mỹ, Âu và Á thấp kỷ lục. Sarah Fung, 45 tuổi, người gốc Anh, sống tại Hong Kong 13 năm và kết hôn 5 năm với người chồng gốc Áo. Cô là người sáng lập một thương hiệu quần áo thiết kế, thẳng thắn chia sẻ dự định không muốn có con. "Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ mình cần sinh con để có một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Công việc kinh doanh và phong cách sống mới là mục tiêu sống của tôi", Sarah nói. "Nhiều gia đình sinh con để có người phụng dưỡng, hương khói khi về già theo văn hóa Á Đông. Đây là điều tốt, song chúng ta không nên hy vọng quá nhiều được đền đáp khi sinh con". Theo cô, sinh con hay không là quyết định của mỗi cá nhân. Nhiều người bất ngờ khi biết cô và chồng quyết định không sinh con. Cô thậm chí nói dối mình không thể có con để tránh giải thích với mọi người về quyết định của mình. Sarah và chồng không phải là trường hợp duy nhất. Doanh nhân Sarah Fung thẳng thắn chia sẻ không muốn có con và sự nghiệp là mục tiêu sống của cô. Ảnh: SCMP Tỷ lệ sinh và tỷ suất sinh đang giảm trên toàn cầu. Năm 2018, số trẻ em sinh ra ở Mỹ thấp nhất trong 31 năm qua, Anh và xứ Wales cũng có tỷ lệ sinh thấp kỷ lục. Tại Singapore, nhiều phụ nữ trì hoãn việc sinh con khiến số trẻ sinh ra tại đây thấp nhất trong 8 năm. Trung Quốc cũng có tỷ lệ sinh thấp nhất trong năm 2018 mặc dù nới lỏng chính sách một con từ năm 2014. Tỷ lệ sinh tiếp tục giảm tại khu vực Liên minh châu Âu (EU). Theo dữ liệu của EUROSTAT, năm 2017 có 5,1 triệu em bé được sinh ra ở EU, ít hơn 90.000 trẻ so với năm 2016. Tỷ suất sinh của phụ nữ Hàn Quốc tiếp tục giảm, mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh con chỉ sinh trung bình 1,2 trẻ. Nhật Bản ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ khi tỷ lệ này bắt đầu được theo dõi. Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ sinh của Hong Kong giảm 78% trong giai đoạn 1961 - 2017. Tỷ suất sinh tại đây đạt 1,1 con/phụ nữ năm 2007, thấp hơn tỷ suất thay thế 2,1 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ trong 36 năm qua. Theo Paul Yip Siu-fai, giáo sư chuyên khoa sức khỏe dân số Khoa Công tác Xã hội và Quản trị Xã hội tại Đại học Hong Kong, phần lớn phụ nữ nơi đây không hẳn sinh con một cách tự nguyện, mà vì những thỏa hiệp dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có công việc và hệ thống hỗ trợ chăm sóc trẻ em. "Ở một mức độ nào đó, phụ nữ Hong Kong rất thực dụng và cố gắng đưa ra quyết định mặc dù có nhiều ràng buộc", ông Paul nói. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giảm tỷ suất sinh. Nhiều phụ nữ trì hoãn việc có con để tiếp tục học lên cao và ưu tiên theo đuổi sự nghiệp. Số khác không có con hoặc sinh ít con vì lý do kinh tế xã hội như chi phí sinh hoạt và nuôi con cao, công việc không ổn định, thời gian nghỉ thai sản ngắn. Hơn nữa, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng bị vô sinh. Một số người chọn không sinh con vì lý do môi trường, sinh ra các chiến dịch như BirthStrike gồm một nhóm gồm những người quyết định không sinh con vì biến đổi khí hậu. Chiến dịch tương tự tên #NoFutureNoChildren cũng được khởi động trước khi Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra tại New York. Những ảnh hưởng tiêu cực của tỷ lệ sinh thấp đối với nền kinh tế quốc gia đang được chính phủ các nước quan tâm. Một mặt, tỷ lệ sinh cao có thể tiêu tốn nhiều tài nguyên. Mặt khác, nếu tỷ lệ sinh quá thấp, các quốc gia có thể không có đủ lao động trẻ để duy trì năng suất lao động. Một số quốc gia đã đưa ra các ưu đãi để tăng tỷ lệ sinh. Tại Hungary, phụ nữ có bốn con trở lên sẽ được miễn thuế thu nhập trọn đời, trong khi Nhật Bản đang thực hiện chương trình giáo dục mầm non miễn phí. Nhật Bản triển khai chương trình miễn phí giáo dục mầm non trong nỗ lực tăng tỷ lệ sinh. Ảnh: SCMP Tỷ suất sinh toàn cầu đã và đang giảm, nhưng vẫn ở mức 2,4 con/phụ nữ, có nghĩa dân số thế giới tiếp tục tăng, theo Dữ liệu Dân số Thế giới năm 2019, do Cục Tham chiếu Dân số (PRB) công bố. Theo PRB, những nơi có tỷ suất sinh thấp nhất là Hàn Quốc (1 con/phụ nữ), Singapore và Đài Loan (1,1). "Nhìn chung, người dân các nước châu Á thường dè dặt hơn, không cởi mở đề cập về vấn đề sinh sản", bác sĩ Ann Tan, Giám đốc y tế Trung tâm Sinh sản Virtus, Singapore, từng giúp đỡ rất nhiều cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc sinh con, nhận định. "Tuy nhiên, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng sẵn sàng đi khám sức khỏe sinh sản, đặc biệt sau một năm cố gắng mà không có con". Theo bác sĩ Ann, phụ nữ truyền thống thường phải nhận sự kỳ thị khi bị vô sinh và không có con, các cặp vợ chồng giờ đây "bình đẳng" hơn trong cách tiếp cận. Một điều đáng quý là các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc có con đang được tuyền truyền, giáo dục tốt hơn về vấn đề này, bên cạnh đó được hỗ trợ về kinh tế, tâm lý để vượt qua những khó khăn này. Điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc tăng chất lượng thai kỳ và tỷ lệ mẹ tròn con vuông tại Singapore. Bác sĩ cho biết, ở Singapore, hầu hết các cặp vợ chồng mới cưới đều lên kế hoạch sinh con trong ba năm đầu tiên, song đều không nhận thức tốt về các vấn đề sinh sản tiềm ẩn. Điều này đặc biệt quan trọng khi xu hướng lập gia đình muộn ngày càng phổ biến tại quốc gia này. Tỷ lệ sinh và tỷ suất sinh có xu hướng giảm trên toàn cầu. Ảnh: SCMP Tại trung tâm Virtus, nhu cầu sử dụng thiết bị hỗ trợ sinh sản (ART) trong điều trị ở phụ nữ ngoài 40 ngày càng tăng. Năm 2016, độ tuổi trung bình của phụ nữ tham gia trung tâm điều trị ART là 37; đến năm 2018, số phụ nữ ở độ tuổi 40-45 tìm kiếm phương pháp điều trị ART tăng thêm 65%. Tháng 8, Singapore đưa ra một số biện pháp nhằm tăng sự tiếp cận và khả năng chi trả cho các phương pháp điều trị sinh sản, bao gồm xóa bỏ giới hạn tuổi trên 45. Theo bác sĩ Ann, trong khi những thay đổi về quy định là một bước đi đúng hướng, chính phủ có thể làm nhiều hơn để cải thiện khả năng sinh sản, ví dụ làm đông lạnh trứng, phương pháp này hiện chỉ được áp dụng khi người phụ nữ mắc bệnh. Lê Hằng (Theo SCMP) Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress