ICON, vệ tinh NASA được phóng lên không gian theo phương pháp đặc biệt, sẽ nghiên cứu tầng điện ly của khí quyển Trái Đất. Máy bay Stargazer L-1011 với tên lửa Pegasus XL gắn bên dưới. Ảnh: CBS News. Máy bay Stargazer L-1011 cất cánh từ Trạm Không quân Cape Canaveral, Florida, Mỹ, lúc 20h32 hôm 10/10 (giờ địa phương). Sau khoảng một tiếng rưỡi, máy bay tiến hành thả Pegasus XL, tên lửa 24 tấn và dài 17 m của tập đoàn Northrop Grumman. Tên lửa này có nhiệm vụ mang vệ tinh ICON của NASA lên không gian. 5 giây sau, động cơ tầng thứ nhất của Pegasus XL kích hoạt, bắt đầu hành trình kéo dài 11 phút tới quỹ đạo. Theo kế hoạch, vụ phóng sẽ diễn ra hôm 9/10. Tuy nhiên, sự kiện bị hủy trước khi máy bay cất cánh vì xuất hiện bão. Thời tiết hôm 10/10 rất thuận lợi và vụ phóng diễn ra thành công. "Thời gian chuẩn bị cho vụ phóng rất dài. Chúng tôi gặp vài trục trặc vào giữa năm ngoái khiến thời gian kéo dài hơn. Tôi rất mừng khi vệ tinh đã bay lên quỹ đạo. Mọi thứ với chúng tôi đều tuyệt vời", Omar Baez, người phụ trách vụ phóng tại NASA, cho biết. Vệ tinh ICON dự kiến hoạt động ít nhất hai năm trên quỹ đạo. Ảnh: CBS News. Nhiệm vụ của ICON là nghiên cứu tầng điện ly, theo dõi cách phản ứng trước các sự kiện thời tiết lớn trong không gian như bão hay lóa Mặt Trời, tìm hiểu tác động của tầng này đến thông tin liên lạc vô tuyến và tín hiệu điều hướng vệ tinh. "Mặt Trời ảnh hưởng lớn đến khí quyển Trái Đất. Nó ion hóa khí quyển, 'nạp điện' cho các phân tử trên đó. Chúng tôi gọi khu vực này là tầng điện ly. Việc nghiên cứu tầng điện ly vô cùng quan trọng. Tầng điện ly giúp các tín hiệu vô tuyến bật lại và truyền tín hiệu GPS. Tầng này liên tục biến đổi và có thể gây ảnh hưởng lớn đến khả năng thực hiện các loại liên lạc như trên", chuyên gia Nicky Fox tại NASA giải thích. Tầng điện ly nằm trong độ cao từ 60 - 1.000 km. ICON sẽ hoạt động ở quỹ đạo cao 580 km, trên Trạm Vụ Trụ Quốc tế (ISS) khoảng 160 km. Vệ tinh này nặng 290 kg, được trang bị các dụng cụ tinh vi để nghiên cứu hạt mang điện trên tầng điện ly và dự kiến hoạt động ít nhất hai năm. Thu Thảo (Theo CBS News) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress