Tiếp xúc ánh mắt là một trong những cử chỉ quan trọng của giao tiếp. Nhưng hãy thành thật nào, bạn có bao giờ cảm thấy việc phải nhìn vào mắt người khác khi trò chuyện thực sự khó khăn không? Nguyên do vì ngại ngùng, hay là vì thiếu tự tin? Thực ra thì cả 2 yếu tố đó chỉ là một phần của câu chuyện thôi. Khoa học đã chứng minh rằng về cơ bản thì bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy ngại ngần khi phải nhìn vào mắt người khác, vì não bộ bắt chúng ta phải như vậy. Cụ thể đây là ý tưởng được đưa ra trong một nghiên cứu của ĐH Kyoto (Nhật Bản) vào năm 2016. Theo đó, não bộ thực ra không thể cùng lúc suy nghĩ về những từ ngữ phải nói mà vẫn tập trung vào khuôn mặt và đôi mắt người đối diện. Thí nghiệm được thực hiện trên 26 tình nguyện viên. Tất cả được yêu cầu tham gia vào trò chơi nối chữ, đồng thời phải nhìn chằm chằm vào khuôn mặt hiện ra trên màn hình máy tính. Kết quả cho thấy khi cố gắng nhìn vào đôi mắt, các ứng viên cảm thấy khó đưa ra các từ ngữ liên quan hơn. "Dù mắt và ngôn ngữ là 2 quá trình xử lý tưởng như độc lập, nhưng đa số chúng ta đều cố tránh ánh nhìn của đối phương khi trò chuyện. Điều này chứng tỏ có một điều gì đó ngăn xen giữa chúng." - báo cáo nghiên cứu cho biết. Trong thí nghiệm, các tình nguyện viên được quan sát khuôn mặt nhìn thẳng và nhìn sang hướng khác. Và khi không phải "mắt đối mắt", họ chơi hiệu quả hơn, thời gian suy nghĩ ngắn hơn, nhưng đặc biệt rõ ràng với các từ ngữ khó. Theo các chuyên gia, thời gian lâu hơn có thể là do não bộ phải cùng lúc xử lý quá nhiều thông tin cùng lúc. Vừa nói vừa nhìn vào mắt nhau quả là khó khăn Dĩ nhiên, việc tiếp xúc ánh mắt khi giao tiếp vẫn có thể làm được thông qua luyện tập, nhưng nghiên cứu này cũng đồng thời cho thấy nhận thức của con người có thể xem là dồn chung vào một bể chứa, và đôi khi bể chứa ấy có thể bị rút cạn khi thực hiện quá nhiều việc 1 lúc. Nghiên cứu này có quy mô rất nhỏ, nên sẽ cần các bằng chứng khác trong tương lai. Nhưng dù vậy, đây vẫn là một giả thuyết hết sức thú vị về phản ứng căng thẳng mỗi khi tiếp xúc mắt với người khác. Năm 2015, một nghiên cứu tại Italy cũng cho một giả thuyết tương tự. Khi đó, nhà tâm lý học Giovanni Caputo đã làm một thí nghiệm, cho thấy việc chỉ nhìn vào mắt người khác trong 10 phút là đủ để gây xáo trộn về tâm lý. Nguyên nhân được cho là vì quá trình mang tên "thích nghi thần kinh" - xảy ra khi não bộ dần thay đổi cơ chế phản ứng với một kích thích tố không đổi qua thời gian. Lấy ví dụ, bạn đặt tay lên mặt bàn và giữ yên ở đó, thì dần dần bạn sẽ không cảm thấy mình đang thực sự chạm vào cái bàn nữa. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV