Nhà vật lý đoạt giải Nobel 2019: 'Tôi thích quan sát thế giới'

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Oct 9, 2019.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 93)

    Cảm kích khi nhận giải Nobel, GS James Peebles vẫn khuyên người trẻ nên dấn thân vào khoa học vì tình yêu chứ không phải giải thưởng.

    [​IMG]

    GS James Peebles đoạt giải Nobel Vật lý 2019 cho những nghiên cứu về vũ trụ. Ảnh: Astronomitaly.

    Năm 1971, James Peebles đứng trên bàn thí nghiệm trong một phòng học ở Đại học Princeton. Bên cạnh vị giáo sư cao gầy là một thùng nước khổng lồ với ống xả dưới đáy. Ông tháo nút chặn ra rồi hỏi sinh viên: Nước sẽ rút xuống theo chiều kim đồng hồ hay ngược chiều?

    "Bạn có thể chỉ đứng giảng về lực hướng tâm và trọng lực mà không cần đổ đầy thùng nước 200 lít này. Điều ấn tượng nhất là ông ấy đã nỗ lực khiến vật lý trở nên sinh động và cuốn hút. Ông ấy nghĩ đó là một đề tài tuyệt vời", Robert Bunning, cựu sinh viên của Peeble, nói.

    Nhiều năm sau, ở tuổi 84, Peebles nhận giải Nobel Vật lý danh giá nhờ xây dựng nền tảng mang tính lý thuyết về vũ trụ học. Ông chia sẻ phần thưởng 1,2 triệu USD với hai nhà khoa học Thụy Sĩ, Michel Mayor và Didier Queloz, bộ đôi đã phát hiện ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao giống Mặt Trời.

    Trong lúc phỏng vấn, Peebles chia sẻ, ông đánh giá cao và cảm kích với phần thưởng, nhưng đó không nên là lý do mà người trẻ nghiên cứu khoa học. "Các bạn nên tham gia vì tình yêu với khoa học. Các bạn nên dấn thân vào khoa học vì cảm thấy vô cùng hứng thú. Đó là điều tôi đã làm", ông nói.

    [​IMG]

    GS James Peebles nhận điện thoại chúc mừng tại nhà riêng ở Princeton hôm 8/10. Ảnh: Eduardo Munoz/Reuters.

    Peebles sinh ra tại Saint Boniface, Canada, và hoàn thành chương trình cử nhân tại Đại học Manitoba. Tuổi thơ ông gắn liền với những lần loay hoay tháo rời hoặc lắp ráp đồ vật, ví dụ như chiếc đồng hồ. "Một trong những ký ức xưa nhất tôi còn nhớ là mình đã nổi giận chỉ vì không được phép lắp máy pha cà phê. Tôi đơn giản là thích quan sát thế giới xung quanh mà thôi", ông kể lại.

    Đồng nghiệp miêu tả Peebles là người suy nghĩ sâu sắc và ấm áp. Ông đến văn phòng cả những sáng thứ Bảy, cùng vợ tham gia các chuyến thư giãn ngắm chim và thường nhắc về thời nhỏ sống ở đồng bằng Manitoba.

    Peebles nổi tiếng với nghiên cứu về phông vi sóng vũ trụ, tàn dư từ thời vũ trụ bắt đầu hình thành. Ông là tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học Canada, là thành viên Hiệp hội Hoàng gia Canada và được phong tặng danh hiệu Order of Manitoba. Ông viết hoặc đồng sáng tác 5 cuốn sách, trong đó có "Physical Cosmology" (Vũ trụ học Vật lý) và "Finding the Big Bang" (Tìm ra vụ nổ Big Bang). Ông tiết lộ, cuốn sách thứ 6 về lịch sử vũ trụ học từ thời Albert Einstein đến nay sẽ xuất bản năm sau.

    "Tôi nghĩ mình đã gặp hoặc biết tất cả các nhà vũ trụ học lý thuyết vĩ đại còn sống, và ông ấy rất nổi bật. Trong các tác phẩm của mình, ông ấy am hiểu về vật lý và vũ trụ đến mức có thể đưa ra những phát biểu chính xác, sâu rộng và mang tầm ảnh hưởng lớn", giáo sư vật lý Lyman Page, đồng nghiệp của Peebles tại Đại học Princeton, cho biết. Văn phòng của Peebles chứa đầy sách và cây cảnh, Page nói thêm. Ông ấy cũng thường ăn trưa với các sinh viên vào thứ Sáu.

    Hơn một trăm người, gồm cả giáo sư và sinh viên Đại học Manitoba, tập trung ở một phòng chờ để theo dõi trực tiếp buổi lễ chúc mừng tại Đại học Princeton vào hôm qua, khi công bố giải Nobel Vật lý 2019. "Ông ấy được biết tới là một người suy nghĩ lớn, dẫn dắt mọi người đến những câu hỏi lớn", Christopher O’Dea, giáo sư vật lý tại Đại học Manitoba, nhận xét.

    Peebles đã nghỉ hưu 20 năm nhưng tiếp tục nghiên cứu và dạy học vì yêu thích công việc này. "Cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn. Tôi cho rằng giải Nobel sẽ thay đổi cuộc sống của mình, nhưng tôi không nghĩ sẽ để nó thay đổi nhiều. Bạn biết đấy, tôi quen với cuộc sống yên tĩnh rồi", ông chia sẻ.

    Peebles dự định dành một phần tiền thưởng cho gia đình và làm từ thiện. "Tôi nợ Đại học Manitoba rất nhiều nên sẽ dành một phần cho ngôi trường", ông bổ sung.

    Trở lại câu hỏi của vị giáo sư về xoáy nước trong bài giảng năm 1971, vì Princeton nằm ở Bắc bán cầu nên nếu chiếc thùng đủ lớn, nước sẽ rút theo chiều kim đồng hồ.

    Thu Thảo (Theo National Post)​


    Let's block ads! (Why?)
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Nhà vật lý đoạt giải Nobel 2019: 'Tôi thích quan sát thế giới'

Share This Page