Apple đang vun đắp quan hệ với Tổng thống Mỹ

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Oct 8, 2019.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 108)

    CEO Apple Tim Cook nhiều lần bày tỏ với Donald Trump rằng luật thuế mới sẽ gây tổn hại cho Apple và tạo lợi thế cho đối thủ như Samsung.


    Việc nâng thuế của Mỹ đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10% đến 15% khiến Apple tiến thoái lưỡng nan. Họ buộc phải tăng giá bán hoặc chấp nhận mức lợi nhuận thấp với các sản phẩm chủ lực như iPhone và MacBook. Đa số sản phẩm của Apple được gia công, lắp ráp và nhập từ Trung Quốc, sau đó bán tại Mỹ và các nước trên thế giới, khiến họ chịu ảnh hưởng rất lớn trước đòn thuế mới trong thương chiến Mỹ - Trung.

    "Tôi rất nể trọng Tim Cook. Ông ấy cũng đã nói chuyện với tôi về chính sách thuế mới. Ông ấy nói rất đúng một chuyện, Samsung hiện là đối thủ số một của Apple. Họ không phải trả thuế bởi có trụ sở ở Hàn Quốc", Trump nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8.

    [​IMG]

    Apple CEO Tim Cook trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp ở Nhà Trắng ngày 6/3. Ảnh: Reuters.

    Việc Tổng thống Mỹ dành sự quan tâm tới vấn đề Tim Cook nói là bước tiến đáng ngạc nhiên trong mối quan hệ giữa hai bên bởi trước đó, CEO Apple từng ủng hộ Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Thậm chí, lãnh đạo Apple còn công khai phản đối một số chính sách như nhập cư.

    Ngay sau khi đắc cử, Trump đã mời một số giám đốc điều hành của các công ty công nghệ đến gặp gỡ tại tháp Trump. Khi đó, Tim Cook ngồi cạnh Tổng thống và không vui ra mặt, thể hiện trong các bức ảnh được chụp.

    Trước đó, Cook từng kêu gọi gây quỹ ủng hộ Hillary ở Palo Alto, California (Mỹ) năm 2016. Một email bị rò rỉ từ WikiLeaks cho thấy CEO Apple có tên trong danh sách các ứng viên cho vị trí phó tổng thống trong chiến dịch của bà Hillary.

    Cook từng gửi thư cho nhân viên Apple giải thích vì sao ông có mặt trong buổi gặp gỡ Donald Trump dù ủng hộ phía đối thủ. Theo ông, để giải quyết vấn đề với chính quyền của Tổng thống Trump là đối mặt trực tiếp. "Tôi chưa bao giờ coi việc đứng bên lề sẽ đem lại thành công. Cách các bạn tạo ảnh hưởng là buộc mình phải đứng trong đấu trường", ông nói.

    Thư của Cook cũng đề cập đến vấn đề mà hãng đã vận động hành lang từ 2016 là thuế quan: "Chúng ta có những thứ khác tập trung cho việc kinh doanh hơn, ví dụ cải cách thuế và một hệ thống quản lý đơn giản".

    Theo CNBC, Cook đã vun đắp cho mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ và Apple từ lúc Trump đắc cử cho đến nay. Ông từng hai lần dùng bữa tối với Trump tại sân golf của Tổng thống ở New Jersy năm 2017. Các quan chức Nhà trắng cho biết, người đứng đầu Apple còn tham dự các bữa tối của chính phủ do Trump chủ trì, đồng thời có mối quan hệ tốt với đệ nhất phu nhân Melania Trump và con gái Ivanka Trump. Những phát ngôn của Apple thường có nội dung đồng điệu với quan điểm của Tổng thống Mỹ. Ngược lại, ông Trump cũng bày tỏ thiện chí khi gọi Tim Cook là "người bạn của tôi".

    Với tư cách là một công ty, Apple không tham gia chính trị. Bản thân công ty cũng không có hội đồng chính trị (tổ chức huy động tiền từ tư nhân để tác động đến các cuộc bầu cử hoặc luật pháp, đặc biệt ở cấp liên bang) bởi Cook cho rằng nó "không nên tồn tại".

    Trong thời gian Donald Trump đương nhiệm, Cook luôn duy trì liên lạc. Chiến thuật thường xuyên tham gia các buổi gặp mặt cũng như gọi điện khi cần giúp những nguyện vọng của Apple được Tổng thống Mỹ lắng nghe, đặc biệt khi chính sách của ông Trump xung đột với lợi ích của công ty này.

    Mức độ ảnh hưởng của Apple đến các quyết định về chính sách của Trump sẽ được sáng tỏ nếu hãng được miễn thuế đối với các sản phẩm chủ lực thời gian tới. "Tim Cook gặp Tổng thống vì lý do chiến lược. Nếu thuế quan hiện tại ở mức 0, họ đã không cần gặp mặt", Gene Munster, đối tác quản lý của hãng đầu tư mạo hiểm Loup Ventures, nhận định.

    Việc Trump có miễn thuế cho Apple hay không hiện chưa rõ, nhưng ông hoàn toàn hiểu nguyện vọng của Cook. Trao đổi với các phóng viên hôm 21/8, Tổng thống Mỹ ca ngợi CEO Apple là nhà lãnh đạo tuyệt vời vì "luôn gọi điện trực tiếp cho ông khi cần, trong khi các công ty khác sẽ tìm kiếm và thuê các nhà tư vấn với giá đắt đỏ".

    Những bước đầu thành công

    Apple đạt được một phần mục tiêu đề ra vào tháng 12/2017 khi Tổng thống Mỹ thực hiện cải cách thuế, giúp họ thu được hàng trăm tỷ USD từ thị trường quốc tế. Với chính sách thuế thấp hơn từ chính quyền Trump, ước tính Apple tiết kiệm được tới 27 tỷ USD.

    Tháng 1/2018, Apple tuyên bố sẽ trả 38 tỷ USD tiền thuế cho chính phủ, đồng nghĩa hãng thu được gần 250 tỷ USD từ nước ngoài, dựa trên mức thuế khi ấy là 15,5%. Apple ra thông cáo nói sẽ đóng góp 350 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ trong 5 năm tiếp theo, trong đó có cả tiền chi cho các nhà cung cấp ở Mỹ.

    Nhìn ra kế hoạch của Apple, ngày 17/1/2018, Donald Trump viết trên Twitter: "Tôi hứa chính sách của mình sẽ cho phép các công ty như Apple kiếm được nguồn tiền khổng lồ cho Mỹ. Thật tuyệt khi thấy Apple gặt hái nhiều thành quả nhờ chính sách giảm thuế. Đây là thắng lợi lớn cho nước Mỹ".

    Hai tuần sau, Trump đưa số liệu của Apple vào Thông điệp Liên bang đầu tiên. Ông viết: "Từ khi chúng ta thông qua luật giảm thuế, gần 3.000 công nhân được hưởng những khoản thưởng giảm thuế, nhiều trong số đó nhận được hàng nghìn USD. Apple đã tuyên bố đầu tư 350 tỷ USD vào nước Mỹ và thuê thêm 20.000 công nhân. Đây là khoảng thời gian tốt nhất để bắt đầu giấc mơ Mỹ".

    Cuối mùa xuân năm ngoái, Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia (Mỹ), cho biết Tim Cook bày tỏ sự hài lòng với chính sách và cải cách thuế khi tới thăm Nhà Trắng. Sau đó, ông tham gia bữa tối do Trump tổ chức trong một bộ tuxedo khác biệt với phong cách thường thấy ở Thung lũng Silicon. Đi theo ông là Lisa Jackson, Phó giám đốc Chính sách và Môi trường, người từng là quản trị viên ở Cơ quan Bảo vệ môi trường dưới thời Barack Obama.

    Apple vỡ mộng

    Ưu tiên quan trọng nhất với Apple hiện nay là xoay xở trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vì từ 15/12, các sản phẩm chủ lực của hãng như iPhone, iPad và MacBook sẽ phải chịu mức thuế mới nếu không được miễn thuế.

    Công ty nghiên cứu thị trường J.P.Morgan ước tính Apple sẽ phải tăng giá bán iPhone từ 1.000 USD lên 1.142 USD nếu Nhà Trắng quyết định thông qua luật tăng thuế cho các sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc lên mức 25%, hoặc hãng phải chấp nhận giảm lợi nhuận để bán hàng.

    Giữa năm ngoái, Apple khẳng định iPhone sẽ không bị chịu thuế mới. Khi ấy, New York Times giải thích sự tự tin này là kết quả của việc Apple được chính quyền Trump ủng hộ.

    Tuy vậy, sự tự tin dần lung lay khi Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ công bố thuế đối với 200 tỷ USD cho các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc. Danh sách có tên List 3 này đề cập đến các sản phẩm quan trọng của Apple, như Mac Mini, Apple Watch và AirPods.

    Ngày 17/9, một tuần trước khi List 3 có hiệu lực, Apple nhận được lệnh miễn thuế cho Apple Watch và AirPods. Nhưng đến khi chính quyền Trump công bố danh sách các sản phẩm chịu thuế mới, gọi là List 4, kết quả còn tồi tệ hơn bởi trong đó có iPhone, sản phẩm đem lại gần nửa tổng doanh thu của hãng. Các nhà phân tích đều tin Apple sẽ tiếp tục xin giảm thuế cho các sản phẩm của mình trong List 4 nhưng hiện vẫn chưa rõ kết quả.

    Trong thư gửi chính phủ, đại diện của Apple cho biết List 4 chứa nhiều sản phẩm chủ chốt như iPhone, iPad, Mac, AirPods và Apple TV và "việc đánh thuế sẽ dẫn đến việc hãng sẽ đóng góp được ít hơn cho nền kinh tế Mỹ".

    Mục đích của Trump

    Thuế quan là một phần trong cuộc tranh luận giữa Apple và Donald Trump về mối quan hệ của hãng với Trung Quốc, nơi đa số các sản phẩm của họ được gia công, lắp ráp.

    Kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc của Apple là mối quan tâm lớn của Tổng thống Mỹ. "Tôi sẽ khiến Apple phải sản xuất máy tính và iPhone trên chính quê hương của mình, chứ không phải ở Trung Quốc", Trump từng tuyên bố.

    Donald Trump bắt đầu tập trung định hướng Apple sản xuất thiết bị tại Mỹ ngay sau khi Tim Cook gọi điện chúc mừng chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2016. Một năm sau, Trump liên tục nhắc Apple cần xây các nhà máy tại Mỹ. "Tim Cook hứa hẹn với tôi rằng sẽ có ba nhà máy lớn. Lớn, lớn và lớn"", ông nhấn mạnh.

    [​IMG]

    Apple khẳng định Mac Pro giá 6.000 USD được sản xuất và lắp ráp tại Mỹ. Ảnh: Verge.

    Sự ám ảnh của Donald Trump về những nhà máy mới ở Mỹ khiến ông theo dõi mọi động thái từ Apple. Tháng 6/2019, Apple công bố phiên bản mới của Mac Pro, mẫu máy tính cao cấp có giá 6.000 USD, được sản xuất với số lượng thấp ở Texas (Mỹ). Tuy vậy, Wall Street Journal cho biết bản Mac Pro này sẽ được lắp ráp tại Trung Quốc, giống nhiều máy tính khác của Apple, để tăng năng suất và giảm chi phí, bất chấp căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Do đó, ngày 15/6, Apple bị từ chối khi xin miễn thuế các linh kiện phải nhập khẩu cho Mac Pro. Donald Trump chia sẻ trên Twitter: "Apple không được giảm hay miễn thuế bởi linh kiện của Mac Pro được làm ở Trung Quốc".

    Chỉ đến khi Apple giải thích Mac Pro thế hệ mới sẽ vẫn được sản xuất và lắp ráp ở nhà máy Texas, ông Trump mới mềm giọng: "Người mà tôi mến mộ và kính trọng là Tim Cook. Chúng tôi đang cùng nhau tìm giải pháp. Tôi nghĩ họ chuẩn bị tuyên bố rằng mình sắp xây nhà máy mới ở Texas và nếu thực sự chuyện đó trở thành sự thật, tôi sẽ rất vui".

    Cuối tháng trước, Apple khẳng định sẽ lắp ráp Mac Pro mới ở nhà máy Austin, Texas, và lập tức được miễn thuế cho 10-15 linh kiện. "Chúng tôi cảm ơn chính quyền vì đã hỗ trợ tạo điều kiện", Tim Cook cho biết.

    Đức Trí (theo CNBC)


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Theo Trang Công Nghệ
     
  2. Facebook comment - Apple đang vun đắp quan hệ với Tổng thống Mỹ

Share This Page