Trong khi thế giới đã ngán đến tận cổ những viên than đen ngòm, thì châu Á lại đang thèm khát thứ đồ ăn này với cái bụng đói cồn cào và luôn sẵn sàng nạp than vào dù xung quanh là cả bầu trời xám xịt vì ô nhiễm. Trong năm vừa qua, bác sĩ tim mạch Ade Imasanti Sapardan làm việc tại thủ đô Jakarta của Indonesia đã chứng kiến số lượng bệnh nhân đến điều trị tại bệnh viện của cô tăng lên gấp đôi, chạm ngưỡng khoảng 100 người đến khám mỗi ngày. Một người đàn ông đang đi thu gom rác thải, phía sau ông là ống khói đang phun ra liên tục tại vùng ngoại ô ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters). Sapardan nhận theo dõi và chữa trị tận giường khoảng 150 bệnh nhân mỗi tuần, và cô nhận thấy chính sự ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng tại thành phố 10 triệu dân này là nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhân dần tăng cao. “Không khí ở Jarkata rất ô nhiễm, người dân hằng ngày phải hít thở không khí bẩn vào phổi”, bác sĩ Sapardan cho biết. Nữ bác sĩ cũng nói thêm bệnh nhân của cô đều mắc các triệu chứng chung đó là đau ngực, ho nhiều và khó thở. Một đứa trẻ đang chơi đùa bên ngoài nhà máy điện than ở Bataan, phía bắc Phillippines. (Ảnh: Alanah Torralba/Reuters). Nếu những thông tin đó chưa làm bạn ấn tượng, thì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố một khảo sát được thực hiện riêng ở châu Á, cho thấy trong 10 người tại khu vực này thì có 9 người phải hít thở không khí kém sạch, đây là tỷ lệ cao nhất – vượt xa mọi khu vực khác trên thế giới. Những thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á Tại sao không khí ở đây lại bẩn đến như vậy? Dễ dàng nhận thấy chính việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch đã gây ra vấn đề này và khiến 7 triệu người tử vong sớm mỗi năm. Nhưng không chỉ thế, nhu cầu nhiên liệu ở châu lục lớn nhất hành tinh này chưa hề có dấu hiệu chững lại, khiến tình trạng ô nhiễm vì thế cũng không hề có ý định muốn ngừng lại. Nhu cầu về than ở những nơi bên ngoài châu Á đã đạt đỉnh điểm vào năm 1988 và từ đó cho đến nay không còn tăng lên nữa. Trong khi đó cùng một thời gian, cơn thèm khát than đá tại châu Á đã tăng vọt đến 3,5 lần và đóng vai chính trong bức tranh nhu cầu năng lượng toàn cầu. Công nhân khai thác than đang làm việc dưới một hầm mỏ ở Trung Quốc. (Ảnh: Tim Wimborne/Reuters). Nhà nghiên cứu Nikos Tsafos tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington cho biết: “Những đô thị lớn và nhỏ ở châu Á hiện tại đều rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng mà phần lớn của nguyên nhân đến từ việc đốt than quá nhiều. Khu vực này luôn được đánh giá là có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế, do đó họ cần nguồn năng lượng khổng lồ để mang điện về đến mọi ngõ ngách nhằm phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, đến nỗi đây là mối quan tâm hàng đầu vượt xa những thứ cần bận tâm khác”. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội làm giảm tầm nhìn xa xuống đến mức thấp đáng kể. (Ảnh: Manan Vatsyana/AFP). Theo một nghiên cứu về chất lượng không khí được thực hiện bởi Greenpeace và IQAir AirVisual trong tháng này, cho thấy những cái tên đứng top đầu và chiếm chủ đạo trong danh sách 100 thành phố ô nhiễm nhất thế giới là các đại diện đến từ châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc được xướng tên nhiều nhất. Rất muốn bỏ nhưng vô cùng khó Không chỉ tương đồng nhiều nét văn hóa với nhau, các quốc gia ở châu Á còn giống nhau về sự đô thị hóa ồ ạt, dân số tăng nhanh không kiểm soát cùng nỗi lo đánh đổi giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Khói thả nghi ngút tại một nhà máy đốt than tạo điện ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Thomas Peter/Reuters). Châu Á – Thái Bình Dương đã tiêu thụ 75% lượng than trên cả thế giới trong năm 2017, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi chỉ trong 20 năm qua. Giới chuyên gia cho biết chính nguồn than dồi dào có sẵn tại đây, nguồn nhân công giá rẻ đã tạo nên khối lợi nhuận khổng lồ, khiến các nguồn năng lượng thay thế không có cơ hội được tỏa sáng và rồi kéo châu Á đi ngược lại với xu hướng năng lượng sạch trên toàn cầu. Ngân hàng và các doanh nghiệp tư nhân đã dần rút khỏi những lĩnh vực kinh doanh sử dụng than đá, nhưng điều này không giúp nhu cầu nhiên liệu hóa thạch ở châu Á giảm sút. Giải thích cho việc này, các chuyên gia cho biết bởi sự hậu thuẫn của ngân hàng nhà nước cùng chính quyền tại một số địa phương, nên hoạt động khai thác và đốt than vẫn chưa thể ngừng lại. Một người đàn ông bịt khẩu trang kín mặt và bước đi qua một quảng trường tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Jason Lee/Reuters). Ngoài ra, nhiều chương trình của các quốc gia lớn như Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, chương trình đẩy mạnh điện than của Nhật Bản sau thảm họa Fukushima cũng khiến dây chuyền than đá chưa thể bị phá vỡ mà vẫn còn là một vòng xoay khép kín. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng khi năng lượng sạch phát triển đủ mạnh khiến chính phủ các nước cùng doanh nghiệp lớn chú ý, thì than đá sẽ nhanh chóng trở thành chuyện của ngày hôm qua. Nhưng rất tiếc, chúng hiện vẫn đang chiếm vị trí độc tôn của hôm nay và của nhiều ngày sau nữa. Ô nhiễm không khí tàn phá cơ thể người như thế nào? Không khí bị ô nhiễm là một trong những yếu tố gây hại đáng kể đối với sức khỏe con người, chẳng hạn như nhiễm trùng hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi. Theo WHO, có khoảng 7 triệu người mỗi năm phải chết khi chưa đến tuổi già do hít thở không khí bẩn mỗi ngày. Trong số này, người dân đến từ Ấn Độ chiếm tỷ lệ cao nhất và xếp theo sau là Trung Quốc với khoảng nửa triệu người mỗi năm. Hít thở không khí chứa đầy khói bụi sẽ gây hại đến sức khỏe con người. (Ảnh: Vietnammoi). Đối với trẻ em khi vừa lọt lòng đã phải sống trong bầu không khí ô nhiễm, các em sẽ khó phát triển được cơ thể theo cách bình thường, chức năng cơ thể bị rối loạn dẫn đến nhiều căn bệnh mãn tính khi chưa đến tuổi dậy thì rồi cuối cùng là giã từ cuộc đời sớm hơn đáng kể so với các thế hệ đi trước. Cơ quan này cũng cho biết, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng khi 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Công nhân làm việc tại một cơ sở khai thác than tại Ấn Độ. (Ảnh: Reuters). Theo EPA ước tính chỉ riêng tại Mỹ, có khoảng 15.000 ca nhồi máu cơ tim mỗi năm, 6.000 trẻ em mắc hen suyễn cùng 8.900 lượt nhập viện vì các bệnh hay các vấn đề liên quan đến hô hấp do phải nạp vào phổi chất bẩn. Ô nhiễm không khí cũng gây thiệt hại kinh tế đáng kể dẫu trước mắt chúng giúp hoạt động sản xuất công nghiệp được diễn ra suôn sẻ và đem lại nguồn lợi khổng lồ. Let's block ads! (Why?)Nguồn KhoaHoc.TV