Máy lọc không khí chia thành 2 loại: lọc chủ động hoặc thụ động, trong đó, lọc thụ động sử dụng bộ lọc, hiệu quả hơn. Anh Long, tư vấn viên của một cửa hàng điện máy trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) cho biết, thời gian gần đây lượng khách đến hỏi về công dụng của máy lọc không khí tăng vọt. "Khách hàng đang tin rằng máy lọc không khí sẽ giúp không khí trong lành trở lại và đến tìm mua chúng", anh Long nói. Thị trường có nhiều máy lọc không khí với công nghệ lọc và giá tiền khác nhau. Máy lọc không khí có nhiều loại với giá thành và công dụng khác nhau. Người dùng cần mua tùy theo giá tiền và nhu cầu sử dụng để đạt công năng cao nhất. Theo anh Vũ Huy, kỹ thuật viên lắp máy lọc không khí của một siêu thị điện máy tại TP HCM, những thiết bị làm sạch không khí nói chung có hai loại cơ bản: lọc chủ động hoặc thụ động. Cả hai đều có khả năng lọc bụi, phấn hoa, lông động vật... ở mức cơ bản, nhưng có các tính năng chuyên sâu khác nhau. Loại chủ động sử dụng ion hóa hoặc kết tủa tĩnh điện để làm sạch không khí. Bằng cách phân tán ion vào không khí. Ion này sẽ bám vào các khối bụi, làm trọng lượng tăng lên và sau đó rơi xuống đất hoặc bị các tấm tĩnh điện hút vào. Điều này buộc căn nhà cần thêm máy hút bụi hoặc vệ sinh thường xuyên. Máy lọc thụ động sử dụng bộ lọc và được đánh giá là hiệu quả hơn vì có thể "bẫy" và loại bỏ hầu hết vi hạt khỏi không khí. Chúng có cấu tạo không quá phức tạp, gồm một hoặc nhiều bộ lọc, kết hợp với quạt làm nhiệm vụ hút và lưu thông không khí. "Khi không khí di chuyển qua bộ lọc, đa số chất ô nhiễm và bụi kích thước lớn bị giữ lại, không khí sạch được đẩy ngược trở lại không gian sống", anh Huy giải thích. "Thông thường, các bộ lọc làm bằng giấy, sợi (thường là sợi thủy tinh) hoặc lưới. Bộ lọc càng nhiều lớp lọc, mức độ hiệu quả càng cao". Màng lọc là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng không khí khi dùng máy lọc thụ động. Phổ biến nhất hiện nay là màng lọc HEPA (High Efficiency Particulate Air), cho phép giữ lại tới 99,97% các hạt nhỏ tới 0,3 micron, cũng như nhiều vi khuẩn và một số virus. Tuy nhiên, loại này không thể khử các loại mùi khó chịu như thuốc lá, đồ ăn... Để cải thiện, gần đây các nhà sản xuất đã đưa vào sản phẩm của mình loại màng lọc than hoạt tính, cho phép khử mùi hiệu quả, cũng như diệt khuẩn và trả lại không khí trong lành cho không gian. Bên cạnh đó, còn có loại màng lọc đi kèm hệ thống bắn tia UV để diệt các loại vi khuẩn và virus tồn tại trong không khí. Nó hoạt động bằng cách phá vỡ các phân tử của chất gây ô nhiễm và làm cho chúng vô hại, kể cả khi con người ngửi phải. Ngoài ra, các máy lọc không khí mới còn có các tính năng về tạo độ ẩm, tăng oxy... và điều khiển thông qua smarthome. Tuy nhiên, giá của chúng không hề rẻ. Anh Vũ Hải (quận 2, TP HCM), một kỹ thuật viên chuyên tư vấn và lắp đặt máy lọc không khí, lưu ý rằng người dùng không nên quá tin tưởng hoàn toàn vào các chức năng trên, bởi không nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng triệt để của máy lọc không khí. "Người dùng nên mua máy tùy theo không gian sử dụng, không nên chọn sản phẩm đắt tiền nếu không cần thiết. Ngoài ra, nên kết hợp thay mới màng lọc thường xuyên với đóng cửa phòng khi không sử dụng nhằm tránh bụi bẩn từ bên ngoài bay vào để đạt hiệu quả cao nhất", anh Hải chia sẻ. Bảo Lâm Let's block ads! (Why?)Theo Trang Công Nghệ