Hà NộiKhi bác sĩ đưa em bé ghé sát vào mặt mẹ vẫn nằm trên bàn mổ, chị Chi dụi cánh mũi vào con, đôi mắt long lanh hạnh phúc. Tối 29/9, khi con gái Đỗ Hồng Khanh đang ngủ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Chi tất bật chuẩn bị đồ để sáng mai cúng đầy tháng cho con. Hồng Khanh trộm vía ngoan, ăn ngủ tốt, là trái ngọt sau 10 năm chạy chữa hiếm muộn của anh chị. "Lễ đầy tháng làm nhỏ thôi nhưng vẫn phải đầy đủ 12 đĩa xôi chè, hoa quả... theo phong tục để cúng mụ cho con", chị Chi cười nói. Một tháng nay, ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Chi rộn ràng hẳn lên khi có tiếng khóc trẻ thơ. 48 tuổi chị mới được hát ru ầu ơ, được chồng và gia đình hỗ trợ nên chị Chi không gặp khó khăn nào hết. "Mọi người nói làm mẹ ở tuổi xế chiều vất vả, nhưng tôi không thấy hề hấn gì, bởi có con là điều hạnh phúc nhất", chị Chi nói. Chị Chi cùng chồng kết hôn khi cả hai bước vào tuổi tứ tuần. Biết tuổi đã cao nên anh chị đã "thả" để có em bé luôn. Song, 4 năm sau cưới, chị Chi mới có tin vui. Hạnh phúc ngắn ngủi, thai nhi bị chết lưu khi mới 8 tuần. 2 năm sau, chị Chi lại đậu thai, song cũng không giữ được do tiếp tục bị sảy. Chị Chi rơi nuóc mắt trong khoảnh khắc gặp con. Ảnh: M.P. Niềm hy vọng của hai vợ chồng sau đó cứ lụi tắt dần khi chiếc que thử thai luôn hiện một vạch. Lo lắng, vợ chồng chị đã đi khám hiếm muộn và quyết định sử dụng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại một bệnh viện phụ sản ở Hà Nội. Sau những lần gồng mình kích trứng và chọc trứng, chị Chi được chuyển 2 phôi nhưng thất bại. Thời gian trôi qua, chị không nhớ nổi mình đã uống bao nhiêu thứ thuốc, bao nhiêu lần đến bệnh viện, song ước mơ làm mẹ vẫn xa vời. "Ngày ấy, nghe ai hỏi về con cái là thấy tủi", chị Chi kể. Đầu năm 2018, anh chị quyết định khám hiếm muộn tại một bệnh viện khác ở Hà Nội, tiếp tục thắp lên ngọn lửa hy vọng mới. Sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị Chi không có khả năng mang thai tự nhiên do suy giảm dự trữ buồng trứng. Chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) của chị đã xuống thấp kèm theo nội tiết kém nên cơ hội mang thai càng mong manh. Phó giáo sư Lê Hoàng, người điều trị cho chị Chi, cho biết, ngoài chất lượng trứng thấp, chị Chi còn có một khối u xơ tử cung và chất lượng cơ tử cung ở độ tuổi này có thể cản trở phôi làm tổ, dẫn đến đáp ứng kích thích buồng trứng kém. Để làm IVF, chị Chi tiếp tục phải kích trứng. Sau kích trứng, các bác sĩ thu được 2 nang trội và thu được 2 noãn để tạo được 2 phôi nhưng chỉ chọn được một phôi chất lượng tốt. Đầu 2019, chị Chi được chuyển một phôi duy nhất, may mắn đã thành công. "Ngày bác sĩ thông báo đậu thai, hai vợ chồng mừng rơi nước mắt", chị Chi kể. Bé gái chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: M.P Có thai đã khó, giữ thai lại càng khó, nên hai vợ chồng rất cẩn thận từng bước đi. Mấy tuần đầu chị nằm viện theo dõi và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Sau đó, thai kỳ tiến triển tốt, vợ chồng chị được ra viện về nhà. Đến tuần 34, đi khám nước ối ít, chị Chi được bác sĩ theo dõi. Ngày 31/8, khi thai nhi 38 tuần, bác sĩ chủ động mổ lấy thai cho chị. Bé gái chào đời nặng 2,5 kg, trong niềm hạnh phúc của gia đình và toàn bộ ekip bác sĩ. Gần một thập kỷ tìm con, chị Chi đã có được con từ chính số lượng trứng hạn hẹp của mình. Theo bác sĩ Lê Hoàng, đây là ca bệnh đặc biệt, khả năng mang thai và giữ thai của chị Chi quá thấp. Khi điều trị cho chị, các bác sĩ đã phải nghiên cứu, cân nhắc chọn phác đồ phù hợp dựa vào độ tuổi, nội tiết, dự trữ buồng trứng và tiền sử bệnh của bệnh nhân. Với bệnh nhân vô sinh lớn tuổi, AMH thấp, có bệnh lý kèm theo thì phác đồ cá thể hóa phù hợp được lựa chọn giúp tránh các nguy cơ có thể xảy ra khi kích thích buồng trứng như không có nang trội, chọc không có noãn (hội chứng nang trống). Đặc biệt sự phối hợp với trung tâm phôi học (Lab) cực kỳ quan trọng để tạo những phôi thật chất lượng khi số lượng noãn thu được quá ít. "48 tuổi, chỉ số AMH quá thấp, vẫn có thể sinh con bằng noãn tự thân là bước ngoặt lớn cho ngành hỗ trợ sinh sản còn non trẻ ở Việt Nam", bác sĩ Hoàng nói. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress