Doanh nghiệp sản xuất xốp cách nhiệt cần chuyển đổi công nghệ để loại trừ tiêu thụ HCFC-22 và HCFC-141b trộn sẵn trong polyol. Ngày 16/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khởi động Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC (Hydrochloroflurocarbons) của Việt Nam giai đoạn II. HCFC là chất trợ nở, có khuynh hướng phân hủy ở tầng khí quyển thấp hơn thành những chất vô cơ đơn giản, như là hydrogen halides (hợp chất chứa hydro-halogen). Dự án được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2018-2023 có mục tiêu loại trừ 35% mức tiêu thụ các chất HCFC nhằm bảo vệ tầng ozone. Sẽ có hơn 80 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi công nghệ nhằm đạt mục tiêu loại trừ tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 và loại trừ hoàn toàn HCFC-141b trộn sẵn trong polyol trong sản xuất xốp cách nhiệt. Dự án cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường năng lực về quản lý, loại trừ các chất HCFC ở Việt Nam. Doanh nghiệp sản xuất xốp cách nhiệt sẽ phải loại trừ dần HCFC-22 và loại trừ hoàn toàn HCFC-141b. Trước đó, ngày 4/9, Chính phủ cũng ký và ban hành Nghị quyết số 64 phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal nhằm loại trừ các chất HFC có tiềm năng nóng lên toàn cầu cao, tránh cho nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng thêm 0,4 độ C vào cuối thế kỉ này. Tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone từ tháng 1 năm 1994, Việt Nam cam kết loại trừ các chất ODS như CFC, Halon, CTC, Methyl Bromide và đặc biệt là HCFC (sử dụng trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp). Thực hiện cam kết này, giai đoạn 2012-2017, Việt Nam đã loại trừ 10% mức tiêu thụ các chất HCFC (1.300 tấn HCFC 141b), giảm phát thải 942.500 tấn CO2. Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress