Thiên thạch khổng lồ khiến khủng long tuyệt chủng hàng loạt có lực va chạm lớn ngang 10 tỷ quả bom nguyên tử. Mô phỏng thiên thạch gây ra sự kiện đại tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm. Ảnh: RT. Thiên thạch rộng 12 km đâm xuống Trái Đất 66 triệu năm trước và khiến 75% sinh vật trên hành tinh tuyệt chủng, trong đó có khủng long, nghiên cứu của Đại học Texas, Austin, công bố hôm 9/9 trên tạp chí PNAS. Thảm họa này cũng gây ra những đám cháy rừng ở cách đó gần 1.450 km. Vụ va chạm sau đó tạo ra sóng thần cao hàng trăm mét tràn tới tận bang Illinois ở Mỹ ngày nay. Giáo sư ở Viện Nghiên cứu Địa vật lý thuộc Đại học Texas, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng, "Sát thủ thực sự là bầu khí quyển chứa đầy lưu huỳnh. Đó là cách duy nhất để xảy ra tuyệt chủng hàng loạt trên quy mô toàn cầu". Ước tính 325 tỷ tấn lưu huỳnh được giải phóng vào khí quyển, làm nhiệt độ Trái Đất giảm mạnh và che khuất ánh sáng Mặt Trời trong thời gian dài, dẫn tới sự tuyệt chủng hàng loạt của những loài khủng long không biết bay. Lượng lưu huỳnh trên lớn gấp 4 lần so với lượng lưu huỳnh từ vụ phun trào núi lửa Krakatoa năm 1883 từng khiến hành tinh trải qua thời tiết lạnh giá suốt 5 năm. Tuy nhiên, họ không tìm thấy nguyên tố lưu huỳnh bay hơi do nhiệt độ cao từ vụ va chạm này. Nhóm nghiên cứu kiểm tra mẫu vật lõi đá từ miệng hố va chạm Chicxulub ở ngoài khơi vịnh Yucatan, Mexico, sâu 500 - 1.300 m so với đáy biển. Họ nhận thấy đất đá và than bắn xa hàng nghìn kilomet, sau đó bị đẩy ngược trở lại bởi sóng thần tràn qua châu Mỹ. Một lượng lớn vật liệu lắng đọng ở miệng hố, giúp giữ nguyên lớp trầm tích của khu vực xảy ra va chạm. An Khang (Theo CNN) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress