Sản phụ nặng 162 kg vượt cạn an toàn

Discussion in 'Sống khỏe' started by Robot Siêu Nhân, Sep 10, 2019.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 123)

    TP HCMBà bầu quê Long An trước khi mang thai nặng 110 kg, lúc đến Bệnh viện Từ Dũ sinh, cân nặng đã tăng thêm 52 kg.


    Chị mang thai con đầu lòng sau 6 năm kết hôn, nhập Bệnh viện Từ Dũ ngày 11/8 khi thai 35 tuần, tiền sản giật nặng, béo phì, tăng huyết áp. Bác sĩ tiên lương sản phụ béo phì dễ gặp các biến chứng tim mạch, huyết áp, sản giật, đái tháo đường, mất tim thai trong bụng mẹ..., theo dõi sát quá trình chuyển dạ.

    Sau các đợt giục sinh thất bại, sản phụ được mổ ngày 14/8. Kíp mổ nhiều kinh nghiệm phải cân nhắc thận trọng giữa phương pháp gây tê hay gây mê cho sản phụ. Bác sĩ Hồng Công Danh, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, cho biết gây mê để phẫu thuật ở sản phụ béo phì không đơn giản vì phải dùng lượng thuốc mê tương ứng với cân nặng để duy trì mê đến khi hoàn tất cuộc mổ.

    [​IMG]

    Bác sĩ gây tê tủy sống cho sản phụ 25 tuổi. Ảnh bệnh viện cung cấp.

    Do cân nặng "quá khổ", cổ của bệnh nhân bị ngắn, lưỡi to, vùng hầu họng hẹp nhiều so với sản phụ bình thường nên đặt nội khí quản gây mê nhiều khó khăn. Sản phụ sẽ có nguy cơ hít sặc, tổn thương vùng hầu họng, biến chứng hô hấp... trong khi sinh.

    Kíp mổ cuối cùng chọn gây tê tủy sống cho sản phụ để hạn chế các nguy cơ. Tuy nhiên khả năng uốn cong lưng của bệnh nhân rất kém do cản trở của lớp thành bụng dày quá mức, khiến khoảng cách từ da đến mục tiêu lớn hơn bình thường. Bác sĩ phải thận trọng tìm các mốc, vị trí đốt sống để châm tê.

    Bác sĩ phẫu thuật Trần Ngọc An cho biết khi rạch ngang thân tử cung để tiếp cận ổ bụng sản phụ, đường rạch phải rộng hơn bình thường mới đưa được bé trai chào đời an toàn. Bé nặng 3,3 kg, hồng hào và khóc rất to. Đến ngày 9/9 sức khỏe hai mẹ con ổn định, vừa xuất viện.

    Sản phụ cho biết thời con gái gầy nhỏ, tăng cân trong thai kỳ.

    [​IMG]

    Bé trai chào đời khỏe mạnh, bên mẹ sau khi sinh. Ảnh: Minh Tâm.

    Béo phì ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ và quá trình thụ thai gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ tăng huyết áp, tiền sản giật với nhiều biến chứng nguy hiểm ở bà bầu béo phì cũng cao hơn thai phụ có chỉ số khối cơ thể bình thường. Nguy cơ thai nhi tử vong trong bụng mẹ béo phì và sinh non cao gấp 2-3 lần bình thường.

    Thai phụ béo phì cần có chế độ ăn uống hợp lý, sử dụng các loại chất dinh dưỡng lành mạnh từ rau, củ, chất béo chưa bão hòa, hạn chế các loại thức ăn chiên xào. Thường xuyên vận động như đi bộ, bơi lội hoặc yoga trước khi sinh giúp điều chỉnh cân nặng và hạn chế cơ thể sản xuất insulin.

    Lê Phương


    Mua hàng tại Tin Học Như Ý
    Nguồn: VNExpress​
     
  2. Facebook comment - Sản phụ nặng 162 kg vượt cạn an toàn

Share This Page