Hệ miễn dịch của thú có túi kaluta đực suy yếu do chúng giao phối với nhiều bạn tình trong thời gian ngắn, dẫn tới hiện tượng chết hàng loạt. Thú có túi kaluta. Ảnh: Lochman LT. Các nhà nghiên cứu tìm ra những chi tiết mới thú vị về thói quen giao phối đặc biệt và khác thường của kaluta (Dasykaluta rosamondae), loài thú có túi nhỏ như chuột nhắt chỉ phân bố ở vùng Pilbara khô cằn phía tây bắc Australia. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Zoology, kaluta đực chết với số lượng lớn sau một mùa giao phối. Hoạt động giao phối khiến kaluta đực căng thẳng và kiệt sức đến mức hệ miễn dịch bị suy yếu. Điều này không quá bất ngờ bởi chúng giao phối với nhiều bạn tình trong vòng một tuần ngắn ngủi, đôi khi kéo dài 14 giờ/lần. "Chúng tôi thường xuyên bắt được những con đực khỏe mạnh trong suốt quá trình nghiên cứu, ngoại trừ ngay sau mùa giao phối. Cùng với các nghiên cứu khác trên thực địa và trong phòng thí nghiệm, điều này chỉ ra hiện tượng chết hàng loạt kaluta đực", Genevieve Hayes, trưởng nhóm nghiên cứu ở Trường Sinh vật học thuộc Đại học Western Australia, cho biết. Kaluta cái có thể lưu trữ tinh trùng từ nhiều bạn tình và giao phối thường xuyên với những con đực khác nhau. Chúng có thể đẻ 8 con non từ tinh trùng của ba bạn tình. "Điều đó có nghĩa kaluta đực phải giao phối rất nhiều và có chất lượng tinh trùng tốt để đánh bại tình địch. Sự hy sinh vì mục đích sinh sản này có vẻ như đòn chí mạng với chúng", Hayes nói. Hành vi giao phối khiến con đực chết hàng loạt trong mùa đầu tiên được gọi là "male semelparity". Do tính chất khắc nghiệt, chiến lược duy trì nòi giống này rất hiếm gặp trong vương quốc động vật. Trên thực tế, các nhà khoa học biết khá ít loài giao phối kiểu này, phần lớn là động vật không có xương sống. Kaluta thuộc họ thú có túi Dasyuridae bao gồm 61 loài. Theo các nhà nghiên cứu, chúng nằm ở nhánh khác của cây tiến hóa so với các loài cùng họ khác. An Khang (Theo Newsweek) Let's block ads! (Why?)Nguồn VNExpress