Con trai độc nhất qua đời, người bố nén đau ký vào đơn hiến toàn bộ nội tạng của con để ghép cho nhiều bệnh nhân, lại mang tiếng oan. Tròn một tháng trôi qua, nỗi đau mất con chưa nguôi thì gia đình ông Nguyễn Văn Sang ở Hải Dương lại phải đối mặt với nỗi đau khác khi nhiều người vào ra hỏi "Hiến tạng thế có được nhiều tiền không?". "Họ bảo đọc báo thấy bán thận được mấy trăm triệu, con trai tôi hiến nhiều thứ thế chắc nhiều tiền lắm", ông Sang nói. Con trai ông, Nguyễn Hồng Dương 20 tuổi là người chết não đầu tiên của huyện hiến toàn bộ nội tạng cứu người. Quan niệm chết phải toàn thân ở vùng quê nhà ông Sang sống rất nặng nề. Hiến tạng của Dương là "điều kinh khủng lắm", song gia đình không biết phải giải thích sao. Ở tuổi 40, ông Sang mới kết hôn và sinh được con trai duy nhất. Dương cao trên 1,72 m, dự định cuối năm nay sẽ đi bộ đội. Gia đình khó khăn, niềm hy vọng lớn nhất của vợ chồng ông Sang là cậu con trai. Không may, tối 10/8, Dương bị tai nạn được chuyển vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương cấp cứu rồi nhanh chóng hôn mê sâu. Các bác sĩ khuyên gia đình nên đưa Dương về, không chấp nhận được nỗi đau quá lớn, gia đình tiếp tục chuyển con lên Bệnh viện Việt Đức. Biết hoàn cảnh nhà Dương khó khăn, rất đông bạn bè đã cùng kêu gọi hỗ trợ để bố mẹ Dương có tiền điều trị cho con. Chiều 11/8, bác sĩ thông báo kết quả hội chẩn lần một, Dương chết não, không còn khả năng cứu chữa. Ông Sang khóc giữa viện. Gia đình khuyên đưa Dương về nhưng thấy con vẫn thở, mặt vẫn hồng hào, ông Sang không đành. Đêm hôm ấy, ông nắm chặt tay con vỗ về như tin vào phép màu nhiệm. "Mọi người đứng, ngồi, đi lại, nín thở đếm từng khoảnh khắc trôi qua hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến", anh Nguyễn Văn Tuân, cháu ruột ông Sang kể lại. Nhưng không, kết quả hội chẩn lần hai lúc 2h ngày 12/8 của hội đồng khoa học vẫn kết luận Dương đã chết não và 6 tiếng sau có kết luận lần ba, giống hai lần đầu. Mắt đỏ, ông Sang chạy ra ngoài, nấc thành tiếng. Tư vấn viên của Trung tâm Ghép tạng quốc gia đã khuyên gia đình cân nhắc việc hiến mô, tạng của Dương. Em ra đi còn quá trẻ, trong khi nhiều người đang rất cần ghép tạng, trong đó có một bác sĩ rất giỏi của bệnh viện đang suy thận nặng. Sau khi đọc xong tờ hướng dẫn thủ tục đăng ký hiến mô, tạng, ông Sang thẫn thờ quay sang hỏi anh Tuân "ý cháu thế nào?". "Đó là việc phúc. Sang vẫn sẽ được sống tiếp trên đời này", anh Tuân trả lời. Ông Sang ký vào đơn hiến toàn bộ nội tạng con trai. Ảnh: Nguyễn Tuân. Suy nghĩ một lúc, người đàn ông ngoài 60 tuổi, mắt ngấn nước, dáng vẻ khắc khổ, đôi tay run run cầm bút ký vào đơn hiến tạng. Dương đã hiến tặng lại toàn bộ mô, tạng gồm tim, phổi, gan, 2 thận, 2 giác mạc và 9 gân cho y học, cứu sống 5 người xa lạ. Trong đó, lá phổi được ghép cho nam bệnh nhân 38 tuổi ở Hà Nội. Nhiều năm nay, gia đình phải mua máy thở để bệnh nhân thở oxy tại nhà, nếu không được ghép phổi, bệnh nhân có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Một quả thận của Dương được ghép cho một bác sĩ giỏi của Bệnh viện Việt Đức. Trưa 12/8, trước khi rút ống thở, bác sĩ thông báo gia đình có 10 phút để vĩnh biệt Dương. Ngoài ông Sang, anh Tuân, còn có thêm 4 người họ hàng khác. Trong 10 phút ngắn ngủi, anh Tuân nhờ một nhà sư tụng kinh qua điện thoại rồi mở trực tiếp cho Dương nghe. Anh nói với em: "Dương ơi, em nghe kinh nhé". Cứ thế mọi người vừa nắm chặt tay Dương, vừa khóc. Duy có ông Sang, chỉ nhìn con lặng lẽ. Khi Dương được rút ổng thở cũng là lúc 300 y, bác sĩ BV Việt Đức chia thành 6 kíp quanh 6 bàn mổ, cùng lúc thực hiện lấy và ghép tạng cho 5 bệnh nhân suốt 15 tiếng liên tục. Hôm sau, gia đình đón nhận thi thể Dương để đưa về quê. Mẹ Dương thẫn thờ, liên tục hỏi "Thằng Dương đâu, gọi nó về ăn cơm". Mãi đến khi chiếc xe đưa Dương từ viện về lăn bánh rời cổng nhà, bà mới chạy lại ôm lấy quan tài của con, khóc lên một tiếng rồi ngất. Anh Tuân kể, khi anh ngỏ lời nhờ sư thầy làm lễ hồi hướng cho Dương, thầy khuyên "việc Dương làm đã giúp em về cõi Phật rồi, không cần phải hồi hướng nữa". Cả gia đình càng thêm tin vào việc tử tế mình đã làm. Từ khi con trai mất, vợ chồng ông Sang suy kiệt hẳn. Đến giờ, ông Sang vẫn không biết, chưa gặp những người nhận tạng của con mình. "Tôi chỉ mong sao tất cả các bệnh nhân được ghép tạng đều khỏe mạnh vì đó chính là một phần cơ thể của con tôi, chứ không mong họ phải cảm ơn hay nhớ đến mình", ông Sang nói. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress