Dấu hiệu đầu tiên khi nhiễm độc thủy ngân là tê và đau nhói ở môi, ngón tay, ngón chân; nặng có thể phù phổi cấp, suy hô hấp. Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP HCM, cho biết hiện tượng tê và đau nhói ở môi, ngón tay, ngón chân do ngộ độc thủy ngân gọi là chứng dị cảm (paresthesia). Ngoài ra còn có chứng Minamata là một dạng ngộ độc thủy ngân do ăn hải sản nhiễm thủy ngân. Tên bệnh bắt nguồn từ sự kiện nhà máy tại Nhật Bản đổ nhiều chất thải có chứa thủy ngân vào vịnh Minamata gây nhiễm thủy ngân cho lượng lớn cá và hàu tại đây. Người dân ăn phải các loại hải sản này đã bị ngộ độc. Ước tính khoảng 50.000 người bị ảnh hưởng với các di chứng hệ thần kinh như liệt, lú lẫn, rối loạn thăng bằng... Tùy thuộc dạng thủy ngân gây ngộ độc, khoảng thời gian, cường độ tiếp xúc và một vài điều kiện cơ thể mà biểu hiện lâm sàng ngộ độc ở mỗi người khác nhau. Hít thủy ngân nguyên tố và nuốt thủy ngân vô cơ gây ngộ độc cấp, tiếp xúc với dạng hữu cơ như ăn phải cá chứa thủy ngân thường gây ngộ độc mạn. Hít phải thủy ngân gây bệnh phổi nặng cấp tính. Dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân xuất hiện sau nhiều ngày đến nhiều tuần kể từ khi tiếp xúc với nguồn. Ngoài ra, tiếp xúc với nồng độ thủy ngân trong không khí trên 50 microgram/m3 trong thời gian dài sẽ xuất hiện các triệu chứng như run rẩy, mất khả năng điều hòa vận động, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân, căng thẳng tâm lý, viêm lợi... Nặng hơn có thể dẫn đến phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong. Thủy ngân là kim loại, ký hiệu Hg, xuất hiện tự nhiên trong môi trường do hoạt động của núi lửa, thời tiết, nhất là do con người. Các nhà máy sử dụng than đá, khai thác kim loại, vàng... là nguồn chính phóng thích thủy ngân vào môi trường. Thủy ngân không tan trong nước, có thể bay hơi ngay ở 20oC, tồn tại dưới nhiều dạng. Thủy ngân nguyên tố (hay kim loại) và vô cơ là nguồn gây nhiễm qua tiếp xúc nghề nghiệp. Thủy ngân hữu cơ (methylmercury) có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống. Những dạng thủy ngân khác nhau sẽ có mức độ gây độc khác nhau đối với cơ thể. Ethylmercury cũng là thủy ngân nhưng không gây độc và được dùng với lượng rất nhỏ làm chất bảo quản trong vài loại vắcxin và dược phẩm. Thủy ngân phenyl (phenylmercury) thường có mặt trong các loại sơn sản xuất từ nhựa mủ, sơn ngoại thất, bả chống thấm, mỹ phẩm cho mắt và dụng cụ vệ sinh cá nhân. Phenylmercury xâm nhập vào cơ thể khi hít vào ở dạng hơi, ngấm qua da hoặc đường tiêu hóa. Thủy ngân được dùng trong chế tạo bóng đèn, bình thủy, một số loại nhiệt kế, pin... Nồng độ thủy ngân ở ngưỡng an toàn trong môi trường theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 0.000025 mg/L, còn ở Việt Nam 0.00001 mg/L. Thủy ngân dùng trong chế tạo bóng đèn, nhiệt kế, pin... Ảnh: Docjacqueline Tiến sĩ Khuất Quang Sơn, Đại học Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, cho biết thủy ngân ở dạng nguyên chất thì không độc nhưng dạng hơi và ion thì rất độc. Hg dễ bị ôxy hóa thành Hg2+. Trong nước, Hg chuyển hóa thành Hg(CH3)2 độc hại. Chất này trong môi trường sẽ đi vào nguồn nước, cây trồng và thâm nhiễm vào các loài sinh vật, nhất là cá, theo chuỗi thức ăn xâm nhập cơ thể vật nuôi và con người. Khi tiếp xúc với cơ thể, thủy ngân được hấp thụ gần như hoàn toàn vào máu và phân phối tới mọi mô, bao gồm bộ não. Sau đó, Hg thải loại 10 mg trong 24 giờ qua nước tiểu và 10 mg một ngày qua phân. Số còn lại tích lũy ở gan, ruột, thận, tổ chức thần kinh và một số bộ phận khác. Nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất là thai nhi khi người mẹ tiếp xúc với quá nhiều thủy ngân sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, làm trẻ chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ... Nó cũng truyền qua nhau thai đến thai nhi và não thai nhi. Người thợ trong các nhà máy than đá, khai thác kim loại, hoặc do ăn nhiều các loại cá, hàu có chứa nhiều thủy ngân, cũng dễ nhiễm. Ông Bùi Văn Đoàn, 56 tuổi, ở phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, dọn dẹp nhà sau đám cháy kho Rạng Đông. Ảnh: Tất Định Điều trị ban đầu ngộ độc Hg tương tự những ngộ độc khác, phải nhanh chóng đánh giá tình trạng hô hấp, tuần hoàn. Loại thải chất độc ở da bằng cách cởi bỏ quần áo bị nhiễm bẩn, rửa da, mắt nếu bị nhiễm. Ngộ độc do nuốt không gây nôn và cũng không rửa dạ dày, vì nguy cơ thủng dạ dày và thủng thực quản. Không dùng than hoạt tính bởi không có tác dụng hấp thụ kim loại. Người ngộ độc Hg vô cơ cần được truyền dịch ngăn ngừa trụy tim mạch. Nếu tổn thương niêm mạc hầu họng gây phù nề nhiều, phải đặt nội khí quản để ngăn ngừa tắc nghẽn hô hấp. Xuất hiện triệu chứng toàn thân có sự chuyển đổi Hg hữu cơ thành vô cơ trong cơ thể, bệnh nhân phải được dùng thuốc giải độc đặc hiệu ngay. Phòng ngừa tốt nhất là giảm thiểu hoặc loại bỏ các vật dụng có sử dụng thủy ngân như bóng đèn, pin, nhiệt kế. Sử dụng năng lượng sạch như gió, mặt trời thay thế cho than đá. Kiểm soát an toàn thực phẩm. Riêng vụ cháy kho bóng đèn Rạng Đông, người dân sinh sống quanh khu vực cháy cần thận trọng, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế, tẩy rửa tường, sàn nhà, đồ gia dụng, không sử dụng nước từ các bể chứa hở... "Người trực tiếp tham gia vào công tác chữa cháy như lính cứu hỏa, hoặc người dân có biểu hiện bất thường cay mắt, cay mũi, ho, tức ngực, khó thở, đau đầu, cần đi kiểm tra sức khỏe", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo. Thùy An - Lê Phương Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress