Phần lớn bệnh nhân ung thư phổi phát hiện trễ nên kết quả điều trị thấp, khi di căn đến gan, xương, não... chỉ 1% sống 5 năm. Bác sĩ Trần Đình Thanh, Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết ung thư phổi có xu hướng ngày càng tăng, nam mắc bệnh nhiều gấp 3 lần nữ. Bệnh thường phát hiện khi đã tiến triển gây nhiều triệu chứng bất ổn, phẫu thuật nhiều khi chỉ có vai trò chẩn đoán, khó trị khỏi. Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) ước tính năm 2018 thế giới có 18,1 triệu trường hợp ung thư mắc mới, trong đó ung thư phổi đứng hàng đầu với hơn hai triệu người phát hiện bệnh và 1,5 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, ung thư phổi có tỷ lệ mắc bệnh cao hàng thứ hai ở cả hai giới, sau ung thư gan. Ung thư phổi chia làm hai dạng chính là ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm 15% và ung thư phổi không tế bào nhỏ, 85%. Loại không tế bào nhỏ ở giai đoạn sớm có tỷ lệ khỏi bệnh cao, 92% sống 5 năm nếu khối u kích thước dưới một cm, 1% sống sau 5 năm nếu di căn xa. Ung thư phổi liên quan mật thiết với thói quen hút thuốc lá. Mỗi điếu thuốc lá được ví như một nhà máy hóa học tổng hợp. Trong khói thuốc có hơn 40 chất là tác nhân sinh ung, do đó có thể phòng ngừa bệnh bằng tránh khói thuốc hay không hút thuốc lá. Một số bệnh mạn tính ở phổi cũng có liên quan tới ung thư phổi như bệnh lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh xơ hóa phổi vô căn... Các nghề nghiệp liên quan mỏ quặng, hít phải khí radon, bụi amiăng hay tiền căn xạ trị vào phổi cũng có nguy cơ gây bệnh. Ung thư phổi cũng có yếu tố gia đình. Dấu hiệu nhận biết Khi có triệu chứng lâm sàng là bệnh thường đã tiến xa, chẩn đoán bệnh để xác định giai đoạn từ đó có hướng điều trị phù hợp. Những dấu hiệu thường gặp ho, đau ngực, ho máu, khó thở, suy nhược. Ho có thể ho khan, dai dẳng. Ho là triệu chứng thường gặp, hơn 70% trường hợp ung thư phổi có ho, một số có triệu chứng khác như khó thở, ho ra máu, viêm phổi tái diễn, đau ngực. Đôi khi bệnh nhân bị khàn tiếng, do khối bướu xâm lấn trực tiếp hay do các hạch bạch huyết ở trung thất bị di căn và làm liệt dây thanh âm. Những bệnh nhân có bướu ở đỉnh phổi, xâm vào lấn thành ngực và đám rối thần kinh cánh tay, bệnh nhân có biểu hiện đau cánh tay và đau vai kèm dị cảm da, lâu ngày gây xệ vai (hội chứng Pancoast). Một số bệnh nhân có u đỉnh phổi xâm lấn hệ thần kinh giao cảm, gây sụp mi cùng bên tổn thương, sa mí mắt, đồng tử co lại, lõm mắt và không bài tiết mồ hôi ở phía mặt cùng bên tổn thương (hội chứng Horner). Sụt cân là dấu hiệu thường gặp, kết hợp các triệu chứng khác khi bệnh tiến xa, không phải là triệu chứng đặc hiệu ung thư phổi. Những dấu hiệu cận ung thư, gặp ở khoảng 10% bệnh nhân ung thư phổi, người bệnh có tổng trạng suy giảm do yếu tố hoại tử bướu, bệnh lý xương khớp phì đại, ngón tay dùi trống. Một số có các hội chứng khác gồm rối loạn đông máu, các biểu hiện của bệnh về da, thần kinh, nội tiết, thận và hệ cơ. Các bệnh nhân ung thư phổi tiến xa thường có những biểu hiện nặng hơn như khó thở do bướu lớn gây chèn ép hay có biểu hiện tràn dịch, tràn khí màng phổi, khàn tiếng, hạch cổ. Tầm soát Theo bác sĩ Thanh, các bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì. Tầm soát ung thư phổi ở những người có nguy cơ khi không có triệu chứng gì giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, nhằm điều trị rốt ráo, triệt để hơn. Khuyến cáo của các hiệp hội ung thư, người từ 50 tuổi trở lên, không hút thuốc hoặc hút thuốc ít, từng hút thuốc nhiều nhưng đã ngưng trên 15 năm có nguy cơ ung thư phổi trung bình. Người có nguy cơ cao là từ 50 tuổi, hút thuốc 30 gói mỗi năm, một gói mỗi ngày trong 30 năm hoặc hai gói mỗi ngày trong 15 năm. Tầm soát ung thư phổi đã được thực hiện ở các nước tiên tiến. Ba loại xét nghiệm được đề cập nhiều nhất là chụp Xquang phổi, xét nghiệm tìm tế bào ung thư từ chất đàm, chụp CT Scan ngực. Người nguy cơ cao nên chụp CT ngực liều thấp mỗi năm, người nguy cơ trung bình chụp CT ngực liều thấp hai năm liên tiếp và mỗi 3-5 năm. Phòng ngừa Độ tuổi bắt đầu hút thuốc, thời gian hút thuốc, số lượng điếu thuốc hút mỗi ngày, chủng loại thuốc lá... có liên quan chặt chẽ đến ung thư phổi. Tỷ lệ mắc bệnh của người hút thuốc lá so với những người không hút cao gấp 10 lần. Cần bỏ thuốc lá, không hút thuốc chủ động và cũng tránh xa những làn khói thuốc xung quanh. Tập luyện thường xuyên có thể hữu ích trong phòng ngừa ung thư nói chung, kể cả các hoạt động đơn giản như làm vườn, đi bộ... có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư phổi. Chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả tươi, các loại rau đa dạng nhiều màu sắc khác nhau như súp lơ, rau chân vịt, hành, táo, cà chua, cam... Những thực phẩm này không chỉ phòng bệnh hiệu quả mà còn rất tốt cho những bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch vành... Tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng, những công nhân làm việc trong môi trường rò rỉ hóa chất phải áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả, tránh hoặc giảm tối thiểu việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư. Lê Phương Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress