Bệnh viện K thay túi nilon đựng rác bằng túi hữu cơ dễ phân hủy, còn căng tin Bệnh viện Ung bướu TP HCM dùng chén bát hay ly gốm sứ. Bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện K, cho biết mỗi tháng bệnh viện sử dụng gần một tấn túi nilon để phân loại và đựng rác thải y tế. Bệnh viện K đổi 4 loại túi nilon màu trắng, đen, vàng, xanh trong các khoa phòng, thành túi hữu cơ làm bằng bột sắn. "Bệnh viện K sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và nilon khó phân hủy", Phó giáo sư Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K, cho biết tại Hội nghị triển khai giảm thiểu chất thải nhựa, chiều 28/8. Khu vực uống nước tại các phòng kể cả phòng bệnh nhân, đều sử dụng chai thủy tinh, cốc sứ hoặc inox. Những hộp đựng chất thải dùng một lần trên xe tiêm thay bằng xô tái chế. Túi đựng rác thải y tế làm từ bột sắn, tại Bệnh viện K. Ảnh: Lê Nga. Tiến sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cũng cho biết từ đầu tháng 8, trong các cuộc họp bệnh viện đổi từ ly nhựa sang dùng ly giấy hoặc ly thủy tinh, thay thế nước suối đóng chai bằng nước trà hoặc bình nước pha sẵn. Các bao đựng phim nhũ ảnh, X-quang, MRI, CT đang dần được chuyển từ bao nhựa sang bao giấy. Nhà thuốc của bệnh viện đã sử dụng các loại túi thân thiện môi trường để đựng thuốc bán cho bệnh nhân, thay thế bao rác bằng túi tự hủy sinh học. Căng tin không sử dụng ống hút, hộp xốp, hộp nhựa đựng thức ăn mà thay thế bằng bát, đĩa, thìa, ly thủy tinh, ly sứ. Các bao đựng phim nhũ ảnh, X-quang, MRI, CT tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM chuyển sang túi giấy. Ảnh: Lê Phương. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nước uống đóng bình nhựa, ly nhựa được thay thế bằng máy uống nước một vòi nguội, dùng ly giấy loại 150 ml và 500 ml uống nước. Bệnh viện khuyến khích bệnh nhân mang túi cá nhân đựng thuốc, tiến tới không sử dụng túi nilon tại khu vực cấp phát thuốc ngoại trú. Theo Ủy ban Châu Âu (EC), ước tính khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa được sản xuất, đến năm 2018. Khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải, 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hàng năm 4,8-12,7 triệu tấn chất thải nhựa được xả vào đại dương, trong đó hơn 50% rác thải nhựa từ các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam. Cuối tháng 7, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường dùng vật dụng, vật tư làm từ vật liệu thân thiện. Ngành y tế tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và nilon khó phân hủy. Lê Nga - Lê Phương Let's block ads! (Why?) Nguồn: VNExpress