TV LG SM9000 vừa xuất hiện tại thị trường Việt Nam với giá niêm yết 61,9 triệu đồng cho kích thước 65 inch và 38,9 triệu đồng cho kích thước 55 inch. Mức giá này thấp hơn mẫu OLED B9 cùng kích cỡ và các mẫu 4K cùng dùng tấm nền màn hình LED nền trực tiếp như Samsung QLED Q80RA, SM9000 gần 15 triệu đồng; thấp hơn Sony X85G khoảng 6 triệu đồng. TV 4K NanoCell mới sử dụng điều khiển từ xa có thiết kế quen thuộc, nhưng tích hợp nhiều tiện ích thông minh hơn. Người dùng có thể ra lệnh bằng giọng nói để nhập liệu, tìm kiếm nội dung hoặc thay đổi cài đặt, điều chỉnh kênh. Ngôn ngữ hỗ trợ cả tiếng Việt và Anh. Tuy nhiên, micro được đặt trên điều khiển từ xa thay vì tích hợp luôn ở TV. Vì thế dù ra lệnh tắt mở, điều chỉnh kênh, tăng hay giảm âm lượng bằng giọng nói, người dùng vẫn phải cầm điều khiển, bấm một phím trước khi nói, chưa thể ra lệnh từ xa như ở loa thông minh Apple Home Pod hay Google Home. Một điểm mới trên TV 4K Nanocell 2019 so với các thế hệ trước là tích hợp trung tâm điều khiển nhà thông minh LG ThinQ AI và tương thích với cả hệ thống nhà thông minh Google Home và Apple HomeKit. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ kết nối không dây AirPlay 2 như Apple TV, nên iPhone, iPad hay máy tính MacBook nên có thể truyền hình ảnh, âm thanh sang thẳng TV mà không cần dây cáp hay phụ kiện, chỉ cần chung một mạng Wi-Fi (không cần có Internet). Với nền tảng của Apple, người dùng có thể dùng trợ lý ảo Siri để tắt, mở, chuyển nguồn phát của TV mà không cần dùng điều khiển. TV có hệ thống loa 4 kênh 2.2 với công suất 40 W, gấp đôi TV thông thường nên thể hiện âm lượng lớn, hiệu ứng sống động ngang một bộ loa thanh rời. Tính năng AI tối ưu hoá âm thanh theo nội dung đang phát, như tự động tăng cường độ chi tiết khi phát nhạc, tăng âm của giọng nói khi xem tin tức hay nâng hiệu thức âm thanh vòm khi xem phim. Nó còn tuỳ chỉnh âm thanh sao cho phù hợp theo vị trí thường ngồi xem TV. Hình ảnh trên SM9000 được nâng cấp nhiều do sử dụng bộ xử lý Alpha7 thế hệ hai. TV của LG sử dụng tấm nền IPS với công nghệ NanoCell. Vì thế, dù vẫn là màn hình dùng đèn nèn LED, độ sâu của màu đen và màu sắc đã tiệm cận màn hình OLED. Đây cũng là mẫu TV hỗ trợ nhiều định dạng 4K HDR nhất hiện giờ, với 4K Cinema HDR, Dolby Vision, HDR10 Pro và HLG. Các nội dung độ phân giải thấp có thể được bộ xử lý AI tự động nâng cấp lên chất lượng 4K. Khác biệt ở SM9000 với các dòng TV NanoCell đời trước và các mẫu TV LED thông thường là góc nhìn màn hình rộng, màu sắc và hình ảnh gần như không thay đổi khi nhìn nghiêng. TV này được trang bị tần số quét 100Hz và tính năng giảm độ trễ phù hợp cho cả nhu cầu chơi game màn hình lớn. Sử dụng hệ thống đèn nền LED nền nên SM9000 có độ dày 6,2 cm, nhưng phần mặt lưng hai bên cạnh bo cong đều từ trên xuống giúp tổng thể TV khi nhìn ngang khá gọn gàng. Mặt sau được làm liền tấm với các cổng kết nối được dồn về bên phải và chia thành 2 phần riêng biệt. Sản phẩm có trang bị 4 cổng HDMI, hỗ trợ HDMI 2.1 và 3 cổng USB. Kết nối không dây có Bluetooth 5.0 và Wi-Fi chuẩn AC. Thiết kế tổng thể của SM9000 không có thay đổi so với nhiều dòng TV trước đó của nhà sản xuất Hàn Quốc. Phần chân đế vẫn là kiểu cong chiếm nhiều diện tích phía trước màn hình nên khó đặt thêm loa thanh phía trước khi cần. Phiên bản 65 inch nặng 26,4 kg và có bề ngang lớn, nên màn hình bị rung lắc khi đặt trên chân đế kiểu này. Màn hình được phủ một lớp kính nhưng không tràn ra hết mép viền nên có thể sứt mẻ nếu không chú ý khi di chuyển, sử dụng. Chất lượng hình ảnh, âm thanh và khả năng kết nối thông minh, hỗ trợ AI là ưu điểm trên NanoCell SM9000. Đây là mẫu TV 4K LED hiếm hoi trên thị trường còn sử dụng công nghệ đèn nền LED trực tiếp, tạo lợi thế về độ tương phản và khả năng thể hiện màu đen sâu so với các model LED viền. Tuy nhiên, nó phải đánh đổi về thiết kế không được mỏng manh. Bất lợi của sản phẩm so với các đối thủ ngang tầm tiền tới từ Samsung và LG là chưa có phiên bản cỡ lớn 75 inch và mới có 2 tuỳ chọn 55, 65 inch. Mua hàng tại Tin Học Như ÝTheo Trang Công Nghệ