Bác sĩ Cao Ngọc Duy bật điện thoại, âm nhạc nhẹ nhàng tràn ngập phòng mổ, bệnh nhân nói đùa rằng nhìn bác sĩ đẹp trai nên hết sợ đau. Bác sĩ Duy đang chuẩn bị phẫu thuật thẩm mỹ nhấn mắt hai mí, nâng mũi cho chị Quyên, 32 tuổi. Phòng mổ tràn ngập âm nhạc, làm giảm nhẹ âm thanh leng keng của các dụng cụ phẫu thuật va vào nhau khi bác sĩ chuẩn bị. Chị Quyên bình tĩnh nằm trên bàn mổ, trước khi được gây mê còn cười nói đùa: "Nhìn bác sĩ đẹp trai sẽ không còn cảm giác đau nữa". "Chị chịu khó chợp mắt một chút nhé, tỉnh dậy là đã xong rồi", bác sĩ Duy nhẹ giọng dặn dò. Cứ thế, bác sĩ Duy thủ thỉ, kéo sự chú ý của bệnh nhân vào câu chuyện của mình, trong khi các y bác sĩ trong kíp mổ tiến hành thao tác gây mê. Đây là ca mổ thứ 3 trong ngày của bác sĩ Duy. Thạc sĩ, bác sĩ Cao Ngọc Duy, 35 tuổi, hiện là Phó Trưởng khoa Răng Hàm mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội. Cao 1,82 m, gương mặt ưa nhìn, chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ, Duy được bệnh nhân lẫn đồng nghiệp gọi là bác sĩ "hot boy". Anh cho rằng với con người bình thường, ngoại hình là quan trọng, nhưng với nghề bác sĩ, chất lượng chuyên môn luôn quan trọng hơn. "Khi khoác chiếc áo blouse trắng, bác sĩ làm việc trong chuyên khoa nào thì cũng đều có chung sứ mệnh là đem lại sức khỏe cho bệnh nhân. Đối với ngành thẩm mỹ, bệnh nhân có phần đặc biệt hơn vì đa số họ mong muốn tìm sự hoàn thiện về ngoại hình", bác sĩ Duy nói. Duy trải qua sáu năm rèn luyện ở Học viện Quân y, bốn năm chuyên khoa Tạo hình - Thẩm mỹ tại trường Đại học Y Hà Nội và 9 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Bác sĩ Duy xem mỗi ca phẫu thuật thẩm mỹ mình thực hiện là một tác phẩm ưng ý. Để giúp bệnh nhân thoải mái, giảm tâm lý lo sợ khi phẫu thuật, anh có thói quen mở nhạc trong phòng mổ. Đây cũng là cách anh tự tạo cảm hứng sáng tạo khi mổ thẩm mỹ. Bác sĩ Duy thực hiện thủ thuật thẩm mỹ mũi cho bệnh nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp Thời gian đầu ra trường, bác sĩ trẻ chưa có danh tiếng và kinh nghiệm nên rất khó tìm bệnh nhân để thực hành. Mẹ anh tình nguyện làm bệnh nhân cũng là khách hàng đầu tiên. Khi đó, mẹ anh đã ngoài 50 tuổi vẫn không ngại "bị người ta xì xào" mà để Duy cắt mí, căng da mặt, nâng ngực. Trong mỗi lần làm thủ thuật cho mẹ, Duy rút kinh nghiệm từ kỹ năng phẫu thuật đến chăm sóc hậu phẫu, quan sát tâm lý, diễn biến sức khỏe... để tích lũy kinh nghiệm tư vấn cho bệnh nhân. Từ mẹ, Duy hiểu ra mỗi người có quan điểm và yêu cầu khác nhau về vẻ đẹp. Công việc của bác sĩ thẩm mỹ không chỉ phẫu thuật giúp bệnh nhân đẹp hơn mà còn phải tư vấn họ chọn nét đẹp phù hợp cho mình và những vấn đề tâm lý, sức khỏe phát sinh. Gần 10 năm trong nghề, Duy nhận ra ba rào cản thường gặp của bệnh nhân khi đi làm thẩm mỹ. Đầu tiên là tài chính, vì chi phí thẩm mỹ ở Việt Nam khá cao. Thứ hai là cái nhìn xã hội, bởi không phải ai cũng đồng tình với việc thẩm mỹ. Có nhiều phụ nữ phải trốn chồng hay tranh thủ chồng đi công tác để làm phẫu thuật thẩm mỹ. Bệnh nhân cũng gặp nhiều khó khăn khi phải vượt qua nỗi đau đớn phẫu thuật, cần thời gian để bình phục và những rủi ro nhất định. Do đó, bác sĩ thẩm mỹ ngoài chuyên môn còn học cách nắm bắt tâm lý, nguyện vọng của bệnh nhân để tư vấn. Anh cũng từ chối những bệnh nhân muốn phẫu thuật để giống một ai đó, hoặc người chưa cần sửa thẩm mỹ. "Không phải mọi yêu cầu thẩm mỹ của bệnh nhân, bác sĩ đều đáp ứng được. Thẩm mỹ cũng không phải là biến người này thành người kia mà nó chỉ giúp bạn trở thành phiên bản tốt nhất của mình", Duy nói. Bác sĩ "hot boy" là biệt danh mà đồng nghiệp và bệnh nhân đặt cho Duy. Ảnh: Nhân vật cung cấp. Hiện mỗi ngày bác sĩ Duy chỉ nhận phẫu thuật 4-6 ca để có thể sắp xếp công việc và nghiên cứu cho từng "tác phẩm" được chỉnh chu nhất. Thời gian rảnh, anh tìm hiểu kỹ thuật và nhu cầu làm đẹp để bắt kịp với xu hướng chung thế giới. "Sở thích lớn nhất hiện tại của tôi là phẫu thuật, cứ hôm nào không mổ là thấy khó chịu lắm", bác sĩ cho biết. Anh bày tỏ hy vọng ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Việt Nam có cơ hội phát triển và được đón nhận rộng rãi hơn trong xã hội. Thùy An Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress