Dưới đây là biểu đồ mới mà NASA vừa tung ra liên quan đến vụ cháy rừng Amazon ở Brazil, thống kê trong thời gian từ ngày 8 đến 22/8. Có thể thấy các dải màu từ xanh lá đã dần chuyển sang vàng và đỏ sẫm - bao phủ hầu hết phần phía trên của Nam Mỹ. Nó biểu thị điều gì? Đó chính là mức độ tăng cao và lan rộng của khí CO2 do rừng Amazon bốc cháy rồi thải vào khí quyển. Về mặt khoa học, tờ Business Insider dành hai từ "bi thảm" khi nhìn thấy hình ảnh này. NASA đã dùng Máy phát hồng ngoại khí quyển (AIRS) để đo lượng CO2 ở độ cao 5.500m. Thiết bị này vốn gắn với với vệ tinh Aqua dùng để đo "nhiệt độ và độ ẩm khí quyển, lượng mây và độ cao, nồng độ khí nhà kính và nhiều hiện tượng khí quyển khác" - theo NASA. Đơn vị đo CO2 ở đây là ppbv (một phần tỷ theo khối lượng). Theo đó, những vùng màu xanh lá biểu thị nồng độ CO2 ở mức 100 ppbv (100 phần tỷ theo khối lượng), màu vàng từ 120 ppbv và màu đỏ sẫm từ 160 ppbv. Đó là con số trung bình, còn giá trị tại "tâm điểm" của vụ cháy rừng sẽ còn vượt trội hơn nhiều. Biểu đồ của NASA cho thấy nồng độ CO2 đã tăng đột biến, lan rộng từ phía tây bắc Brazil xuống đông nam đất nước và xa hơn. Dù lượng CO2 này "ngự trị" ở độ cao đến 5.500 m và ít ảnh hưởng đến không khí mà con người hít thở hàng ngày, nhưng gió mạnh có thể đem nó xuống thấp và tàn phá trực tiếp đến chất lượng không khí. Khi đó, người dân Brazil sẽ phải đối mặt với một nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng khác. Sau cái chết của cây rừng sẽ là ô nhiễm không khí, và bệnh tật của con người. (Ảnh: Reuters). Trên phạm vi toàn cầu, CO2 là tác nhân quan trọng gây ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Nó có thể di chuyển quãng đường dài và tồn tại trong khí quyển đến 1 tháng. Trước đó ở siêu đô thị São Paulo, người dân kinh hoàng khi nhìn thấy bầu trời chìm trong những đám mây bụi mù, ngày biến thành đêm do khói từ cháy rừng. Còn sâu trong các khu rừng Amazon đang cháy, nhiều thổ dân bộ lạc đã mất hết tất cả tài sản, hơn nữa trường hợp mắc bệnh hô hấp cũng ngày càng leo thang. São Paulo đen kịt giữa ban ngày như tận thế do khói từ cháy rừng. (Ảnh: BBC). Năm 2019 ghi nhận số vụ cháy rừng Amazon tăng kỷ lục - đạt mức 72.843 vụ, cao hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà khoa học khẳng định nguyên nhân chủ yếu là do con người. Trong đó, Tổng thống Jair Bolsonaro đang bị chỉ trích dữ dội do chính sách khai phá rừng để phát triển kinh tế - bao gồm khuyến khích khai thác khoáng sản, đốn gỗ và làm nông nghiệp mà không màng đến môi trường đang oằn mình gánh chịu. Lửa ở rừng Amazon chưa thể kiểm soát do đang giữa mùa khô hạn. (Ảnh: BBC) Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, được biết đến như "lá phổi của hành tinh" vì cung cấp lượng oxy khổng lồ cho sự sống trên Trái Đất. Tuy nhiên nếu không được bảo vệ, chẳng mấy chốc Amazon sẽ biến thành miền đất khô hạn và thải ra lượng CO2 ở mức độ "hủy diệt" - hậu quả trực tiếp từ hàng ngàn vụ cháy rừng mỗi ngày. Mua hàng tại Tin Học Như ÝNguồn KhoaHoc.TV