Sau một năm hít bóng cười, cô gái trẻ ở Lạng Sơn bị tê yếu tay chân, mất thăng bằng, đi lại khó khăn. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cấp cứu ngày 20/8, là trường hợp đầu tiên bị ngộ độc khí N2O do sử dụng bóng cười được ghi nhận tại bệnh viện. Hầu như ngày nào cô gái này cũng hít vài quả bóng cười. Sáu tháng nay, bệnh nhân có dấu hiệu tê bì tay chân, đau tức vùng ngực và thường tự khỏi sau vài ngày. Ba ngày trước khi vào viện, cô bị tê yếu nhiều cả tay và chân, chuột rút, mất thăng bằng, đi lại khó khăn. Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ bị rối loạn cảm giác do ngộ độc khí N2O. Sau 3 ngày nằm viện, tình trạng cô gái đã ổn định hơn. Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thời gian qua cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc khí N2O do hít bóng cười. Bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện rối loạn cảm giác, giảm vận động, tê bì chân tay, đi lại không vững. Nhiều người bị tổn thương tủy sống, mất tủy, tổn thương hệ thần kinh. Cuối tháng 5, Bộ Y tế đề nghị cấm sử dụng bóng cười trong giải trí. Khí N2O chỉ được phép mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp, không được sử dụng cho người trừ khi được bác sĩ chỉ định dùng trong y tế. Bóng cười là quả bóng được bơm khí N2O, loại khí gây hưng phấn thần kinh, tạo cảm giác muốn cười khi hít vào nên còn được gọi là khí cười. Trong y học, N2O được sử dụng để gây mê bệnh nhân khi phẫu thuật. Khí N2O vào cơ thể ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch, gây tê liệt người, thậm chí có thể tử vong. Khí cười là nhóm chất gây nghiện, ảo giác và có xu hướng tăng liều. Người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự các loại ma túy khác. Nhiều người trẻ dùng bóng cười vì có cảm giác phấn kích, lâng lâng và cho rằng không nguy hiểm như thuốc lắc hay ma túy đá. Ở Việt Nam bóng cười không nằm trong danh mục quản lý đặc biệt, không xếp nhóm chất ma túy. Tuy nhiên, lạm dụng bóng cười gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe, nghiện, khi thiếu dễ bị trầm cảm. Lê Nga Mua hàng tại Tin Học Như Ý Nguồn: VNExpress